Doanh nghiệp bán lẻ tại TPHCM nỗ lực vượt khó

Năm 2012 được xem là một năm đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ bởi sức mua giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2012, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM ước đạt 391.662 tỷ đồng, chỉ tăng 17,8%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái 5%. Để hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp (DN) phải đua nhau khuyến mãi giảm giá, thậm chí còn hỗ trợ thêm về giá để ổn định sức mua, kích cầu tiêu dùng.
Doanh nghiệp bán lẻ tại TPHCM nỗ lực vượt khó

Năm 2012 được xem là một năm đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ bởi sức mua giảm mạnh. 9 tháng đầu năm 2012, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM ước đạt 391.662 tỷ đồng, chỉ tăng 17,8%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái 5%. Để hoàn thành kế hoạch doanh thu năm, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp (DN) phải đua nhau khuyến mãi giảm giá, thậm chí còn hỗ trợ thêm về giá để ổn định sức mua, kích cầu tiêu dùng.

  • Chạy đua... giảm giá!

Các chương trình của Tháng khuyến mãi do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức chưa kết thúc, ngay lập tức tại tất cả các siêu thị đều đã lên kế hoạch cho những chương trình khuyến mãi hoành tráng hơn, hấp dẫn hơn.

Trong tháng 10, các nhà bán lẻ lấy tâm điểm là Ngày Phụ nữ VN 20-10 để đồng loạt thực hiện các chương trình khuyến mãi như “Tôn vinh vẻ đẹp Việt”, “Gửi trọn yêu thương”… Theo đó, mỗi chương trình có khoảng 500 - 2.000 mặt hàng khuyến mãi, bao gồm các nhóm hàng như hóa mỹ phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu như mì tôm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến,… Mức khuyến mãi giảm giá từ 5% - 50%, tùy mặt hàng. Chuyên viên cao cấp của một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu tại VN chỉ ra rằng, kinh tế còn nhiều khó khăn nên buộc người tiêu dùng phải tiết kiệm nhiều hơn.

Người tiêu dùng đang chọn mua sản phẩm khuyến mãi giảm giá từ 5% - 50% tại siêu thị Big C trong chương trình “Tôn vinh vẻ đẹp Việt”.

Người tiêu dùng đang chọn mua sản phẩm khuyến mãi giảm giá từ 5% - 50% tại siêu thị Big C trong chương trình “Tôn vinh vẻ đẹp Việt”.

Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, chỉ số tiết kiệm tại VN đã lên đến 70%, cao hơn rất nhiều so mức trung bình của người châu Á là 59%. 63% người mua sắm quan tâm đến giá cả và họ luôn tìm cách mua sắm tiết kiệm nhất. Cũng trong năm 2012, các chương trình khuyến mãi trở thành yếu tố tác động mạnh nhất đến việc thay đổi lựa chọn cửa hàng và nhãn hàng của người mua sắm. Nói cách khác, khuyến mãi trở thành cứu cánh cho các DN bán lẻ trong tình hình sức mua giảm, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.

Thực tế cũng cho thấy những DN bán lẻ lớn, có tiềm lực mạnh và nhanh nhạy ứng phó với diễn biến thị trường thì cách đối phó được áp dụng phổ biến nhất vẫn là chia sẻ với người tiêu dùng, thông qua việc bơm tiền, giảm lãi để thực hiện các chương trình khuyến mãi và chăm sóc khách hàng. Phó tổng giám đốc một hệ thống siêu thị cho biết, tính sơ bộ đến hết quý 3-2012, chi phí dành cho khuyến mãi của đơn vị này đã tăng 30% - 40% so với cùng kỳ. Nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, khi thị trường và giá sản phẩm minh bạch thì cạnh tranh về giá sẽ không còn hiệu quả. Các DN cần phải năng động hơn như đa dạng nguồn hàng, tổ chức công tác hậu mãi tốt hơn…

  • Tiết kiệm chi phí để giảm giá

Để ứng phó với tình hình hiện tại, nhiều DN đã tập trung cắt giảm tối đa chi phí, tổ chức quản trị và phân chia rủi ro. Do nhu cầu tiêu dùng đã có sự thay đổi rất lớn, đó là hàng thực phẩm và hàng thiết yếu hiện chiếm 50% - 60% tổng doanh thu tại nhiều siêu thị nên việc xác định phân khúc thị trường và ngành hàng, đẩy mạnh việc tìm kiếm thêm thị trường tiềm năng được các DN chú trọng. Các DN cố gắng tối ưu hóa dây chuyền cung ứng và xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhà bán lẻ. Thực hiện chiến lược định vị thị trường và sản phẩm trong từng thời điểm, định hình lại các mô hình mua sắm nhằm mở ra những cơ hội chuyển đổi toàn bộ phân khúc, hướng tới ngành bán lẻ thông minh hơn nhằm đáp ứng sự liên tục thay đổi trong sở thích và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của Big C cho biết, chiến lược kinh doanh của Big C tại thời điểm này hợp tác với các nhà cung cấp để có được giá tốt nhất cho khách hàng, Big C còn thực thi chính sách tối ưu hóa các chi phí quản lý, hậu cần…, điển hình là các chương trình tiết kiệm điện năng. Theo đó, tất cả các siêu thị Big C đều chiếu sáng bằng bóng đèn T5 tiết kiệm 35% điện chiếu sáng, lắp hệ thống kiểm soát điện năng của Schneider Electric, dùng bồn tụ lạnh đêm để tích lạnh và điều hòa nhiệt độ các siêu thị ban ngày… Hầu hết các siêu thị Big C ra đời từ năm 2011 như Big C Vĩnh Phúc, Big C Nam Định, Big C Thanh Hóa, Big C Cần Thơ, là các siêu thị xanh đầu tiên của VN, quy tụ nhiều giải pháp tiết giảm sử dụng điện năng, cho phép tiết kiệm 20% chi phí tiêu thụ điện năng so với một trung tâm thương mại bình thường. Tất cả chi phí tiết kiệm điện được dùng để đầu tư cho giá rẻ và kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Năm 2012, người ta cũng nhìn thấy sự tất tả ngược xuôi của khá nhiều đơn vị như Satra, Vissan, Saigon Co.op, Ba Huân, Vinatexmart... trong việc phát triển mạng lưới phân phối. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan nhìn nhận, dù khó khăn nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để Vissan nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào các mục đích kinh doanh cốt lõi, chọn danh mục đầu tư an toàn, tránh dàn trải, quản trị tài chính hiệu quả và cải tiến nâng cao công nghệ quản lý. Để từng bước khép kín quy trình sản xuất, năm 2012 Vissan đã tăng tốc phát triển mạng lưới phân phối, thông qua các cửa hàng tiện lợi.

Dự kiến, đến cuối năm nay, Vissan sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển chuỗi 100 cửa hàng. Theo tính toán của ông Mười, việc mở các cửa hàng mới cũng đồng nghĩa DN phải chấp nhận những rủi ro nhất định như việc thu hồi vốn chậm, hòa vốn, thậm chí là bị lỗ… nhưng Vissan vẫn kiên trì mục tiêu khép kín chuỗi cung ứng nhằm đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, quan trọng hơn cả là công ty có thể chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Khó khăn nhưng tại một số DN khác cũng cân đối các khoản thu chi, tăng quỹ tiền lương để giữ chân người lao động có tay nghề, đảm bảo uy tín cho thương hiệu.

Còn 3 tháng nữa là kết thúc năm kinh doanh. Đến thời điểm này, nhiều DN bán lẻ cho biết họ có thể hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng lợi nhuận thì không đạt. Tính toán tại một hệ thống siêu thị tại TPHCM cho thấy, nếu những năm trước mức lãi gộp ở một ngành hàng thường đạt trên 10% thì nay giảm mạnh chỉ còn từ 2% - 3%, thậm chí nhiều ngành hàng (như may mặc…) họ chấp nhận bán hòa vốn để bù vào phần tăng giá cho người tiêu dùng. Nhiều DN đã mạnh dạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn doanh thu và lợi nhuận để tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi nhất. Ổn định giá cả để thu hút khách hàng bằng nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, đảm bảo kế hoạch doanh thu chờ qua cơn bĩ cực trở thành chiến lược kinh doanh của hầu hết các hệ thống siêu thị tại TPHCM.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục