Thị trường bất động sản 2015 - Bài 1: Khi các sàn tung chiêu

Nhận hàng chục tin nhắn mỗi ngày, ai cũng bị kích thích vì lo thị trường nhà đất “sốt” trở lại mà không kịp nhảy vào. Mặc dù có nhiều thông tin tốt rằng thị trường sẽ phục hồi, lãi vay đã giảm… nhưng thực tế lại khác. Lần theo thông tin môi giới thì toàn tin ảo, người thật sự cần bán không tìm được người mua. Kết quả, thị trường chỉ sốt trong… miệng “cò”!
Thị trường bất động sản 2015 - Bài 1: Khi các sàn tung chiêu

Nhận hàng chục tin nhắn mỗi ngày, ai cũng bị kích thích vì lo thị trường nhà đất “sốt” trở lại mà không kịp nhảy vào. Mặc dù có nhiều thông tin tốt rằng thị trường sẽ phục hồi, lãi vay đã giảm… nhưng thực tế lại khác. Lần theo thông tin môi giới thì toàn tin ảo, người thật sự cần bán không tìm được người mua. Kết quả, thị trường chỉ sốt trong… miệng “cò”!

Sàn tự làm giá

Một cán bộ ở quận 7 cần tiền gấp nên nhờ sàn giao dịch bất động sản chuyển nhượng lô đất. Vì không nắm rõ giá thị trường nên anh đành nhờ sàn tư vấn giá. Anh được tư vấn giá 45 triệu đồng/m² cho lô đất 120m². Thế nhưng, vài ngày sau anh nhận được phản hồi của sàn là nếu họ bán được giá cao hơn thì ngoài phần huê hồng đã thỏa thuận, sàn còn được hưởng 30% phần chênh lệch giá cao hơn giá ấn định. Thấy có lợi anh đồng ý. Nhưng chờ hết tháng này qua tháng nữa vẫn không thấy có người mua. Bức bách quá, anh mua một sim điện thoại khác để đăng báo bán đất, hơn một tuần sau anh đã “gả” được lô đất với giá 45 triệu đồng/m².

Loạn giá nhà đất tại các bảng quảng cáo trên nhiều tuyến đường. Ảnh: CAO THĂNG

Chị Nguyễn Thị Linh ở quận 3 cho biết lý do chị phải nhờ “cò” là vì khi đăng thông tin bán nhà trên báo, khách cứ liên tục điện thoại hỏi giá, nên ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Tưởng rằng giao dịch qua sàn cho đỡ phiền, nào ngờ, sau khi làm thủ tục ký gởi, các sàn lại nâng giá quá cao, khó bán. Trong khi người cần mua nhà lại không mua được đúng giá vì các sàn cứ kê khống giá.

Anh Nguyễn Huy Công cho biết, có lần thấy lô đất vừa ý ở dự án Him Lam nên anh điện thoại yêu cầu “cò” dẫn đi xem thực tế. Nhân viên dẫn anh đi xem xong, nói giá đến 58 triệu đồng/m2. Anh thắc mắc sao cũng tuyến đường này nhưng có người rao chỉ 50 triệu đồng/m² thì nhân viên này không ngại nói thẳng, đó là thông tin “ma” của các sàn để câu khách.

Cũng may, anh Công quen với cảnh sát khu vực biết rõ chủ nhà nên đã mua trực tiếp với giá chỉ 52 triệu đồng/m². Cuối cùng, sau khi khảo sát, xem các dự án thông qua sàn, anh lại mua bán thành công theo kiểu giới thiệu… truyền thống, thông qua người quen!

“Cò” tự “nướng” mình!

Kiểu thông tin “Căn hộ cách trung tâm TP 10 phút, gần chợ, trường học, chỉ 260 triệu đồng sở hữu được ngay…” liên tục nhắn vào máy khiến không ít người bị lừa. Để tìm hiểu, chúng tôi gọi thử vào số máy điện thoại trong tin nhắn quảng cáo, mới biết dự án “cách trung tâm TP 10 phút” kia lại nằm tận quận Bình Tân.

Sở dĩ có 10 phút vì nhân viên môi giới cho rằng “đi đại lộ Đông Tây nhanh lắm”. Còn giá 260 triệu đồng đó là khoản nộp trước 30%, số còn lại phải vay ngân hàng. Lãi vay rất rẻ nhưng khi hỏi ra thì lãi ấy chỉ ổn định trong 6 tháng đầu, sau đó… tùy vào thị trường. Chưa hết, giá rao là giá chưa thuế GTGT 10%, chưa phí bảo trì 2% và vị trí căn hộ không được lựa chọn, nếu lựa chọn thì… cao hơn. Thời hạn giao nhà sau 18 tháng, tức chưa thấy mặt mũi căn nhà ra sao, người mua phải è cổ trả lãi ngân hàng theo tiến độ nộp tiền. Nếu dự án bị đóng băng như những dự án trước đây thì người mua “ôm” nợ với ngân hàng, còn nhà thì… nằm trên giấy!

Loạn các bảng quảng cáo giá nhà đất trên nhiều tuyến đường.Ảnh: CAO THĂNG

Một “chiêu thức” quen thuộc của các sàn giao dịch bất động sản là đăng thông tin giá rẻ để “câu” khách, khi khách gọi vào thì… giới thiệu lô đất khác. Hoặc đăng thông tin chung chung, khi khách đến tận nơi tìm hiểu thì bị cò dẫn dắt, làm giá…

Anh Phạm Đức Phúc, nhà đầu tư ở Tân Bình cho biết, thời điểm này lãi suất thấp, gởi ngân hàng lãi không bao nhiêu, anh lại nghe nói bất động sản rục rịch nên mỗi ngày anh đều lên mạng theo dõi thông tin, nếu có cơ hội tốt thì đầu tư. Thế nhưng, hầu hết những thông tin trên mạng đều không phải của chính chủ. Cùng một nền đất nhưng “cò” đăng nhiều tin với các mức giá khác nhau để khách nghĩ rằng khu đó giá cao, và thu hút bởi tin giá rẻ.

Thậm chí các sàn còn liên kết nhau để quản lý thông tin khách hàng. Các nhân viên nhập số điện thoại và tên khách hàng vào hệ thống nên khi khách đã điện thoại đến số của nhân viên nào đầu tiên, chào giá ra sao thì các nhân viên sau nhận điện thoại đều phải báo giá giống ban đầu. Do vậy, để nắm thông tin đa chiều, anh Phúc phải mua nhiều sim rác để liên hệ và phải sử dụng nhiều tên khác nhau khi tham khảo giá. Anh cho rằng, chính “cò” đã đánh mất niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản. Giờ chẳng còn ai tìm đến “cò” để mua nhà, mà chỉ để… tham khảo giá!

HÀN NI

Bài 2:  Thuế cao, qua thời “lướt sóng”!

Tin cùng chuyên mục