Đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh

Đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh

Đã đến thời kỳ các doanh nghiệp lớn không còn tập trung sản xuất chỉ một mặt hàng mà tiến tới sản xuất và kinh doanh đa ngành hàng để giảm thiểu rủi ro, tăng khả năng lợi nhuận. Trong đó, phần kinh doanh dịch vụ và thương mại sẽ làm gia tăng lợi nhuận và tăng thêm giá trị sản phẩm.

Đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh ảnh 1
Một dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã chính thức công bố kế hoạch đầu tư sản xuất các sản phẩm mới trong thời gian tới đây, ngoài việc mở rộng công suất một số nhà máy thành viên, tại đại hội cổ đông mới diễn ra trong tuần qua.

Theo đó, ngoài sữa và các sản phẩm từ sữa, Vinamilk sẽ đầu tư thêm mặt hàng bia cho phụ nữ, cà phê Moment, bao bì… Các cổ đông cũng đã ủng hộ mạnh mẽ chương trình đầu tư mới này. Bởi vì họ tin tưởng vào đội ngũ quản trị doanh nghiệp sẽ biết cách lèo lái dự án mới đầu tư mang lại hiệu quả.

Chẳng hạn, khi đưa ra sản phẩm mới cà phê Moment, Vinamilk đã nghiên cứu rất kỹ khẩu vị của người Việt. Tại thị trường trong nước, đã có nhiều loại cà phê hòa tan định vị được gu cho người tiêu dùng. Vinacafe được pha chế theo gu có tinh chất cafein chiếm tỷ lệ cao, vị đắng mạnh mẽ nên đáp ứng cảm giác “nghiện” đối với những người đã ghiền cái vị đắng của cà phê phin nhỏ từng giọt trước đây.

Cà phê G7 theo hướng khác, nhẹ-béo-thơm hơn, dễ uống hơn; nhiều nhãn hiệu cà phê của nước ngoài có vị chua nhẹ. Và cà phê Moment chọn một đối tượng khác, có vẻ phụ nữ hơn với sự kết hợp công thức pha chế giữ hương thơm, chất béo, tỷ lệ cafein, độ xốp ở đầu lưỡi như kiểu cà phê đánh bọt váng sữa laste và capuchino. Vì vậy, khi sản phẩm được tung ra thị trường, cà phê Moment đã chiến được một thị phần đáng kể. Với nhiều dòng sản phẩm, Vinamilk đang mong muốn vươn lên tập đoàn hàng đầu về chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Cũng mong muốn trở thành một doanh nghiệp mạnh trong chế biến thực phẩm, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã đầu tư vào sản xuất các mặt hàng bánh kẹo, nước uống tinh khiết, trà… Với đơn vị này, khi chuẩn bị sản xuất một mặt hàng mới, doanh nghiệp thường có sự kết hợp sử dụng thương hiệu của một số doanh nghiệp trước đây nên gặp khó khăn phải chuyển giao thương hiệu.

Đồng thời, tổng công ty cũng có những chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm khá chuyên nghiệp. Mặt hàng nước uống tinh khiết Vinawa đã được thiết kế logo, hình ảnh thương hiệu theo phong cách hiện đại.

Đáng lưu ý, đội ngũ bán hàng của Công ty Thương mại phối hợp đi chào bán và quảng bá sản phẩm nước uống Vinawa rất tận tâm, tận dụng mọi hình thức kinh doanh để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt với các khách hàng lớn là các doanh nghiệp. Đến nay, Vinawa đang chen chân với nhiều thương hiệu nước uống tinh khiết khác để chiếm một chỗ đứng khá tốt trên bàn tiếp khách của nhiều doanh nghiệp.

Có thể nói rằng, khi thương mại hội nhập với kinh tế khu vực, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy kinh doanh đa ngành hàng mang lại lợi nhuận cao, giảm thiểu rủi ro nên đã đi theo hướng này. Chủ yếu do từng loại sản phẩm thường bị cạnh tranh quyết liệt, nếu có nhiều sản phẩm khác cùng hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ có tránh được sức ép cạnh tranh.

Có những loại sản phẩm vào thời điểm này bán chạy, nhưng thời điểm khác thì nhu cầu giảm, vì vậy nếu có các sản phẩm khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh thị trường, đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng đang ăn khách và giảm mặt hàng đang “dội chợ”, sẽ luôn đảm bảo việc làm cho người lao động và doanh số của doanh nghiệp.

Khuynh hướng phát triển quy mô doanh nghiệp trên thế giới đều hướng đến sản xuất và kinh doanh đa ngành hàng, từ đa ngành hàng trong các dòng sản phẩm đến đa ngành kinh doanh khác trong dịch vụ thương mại như xây dựng, tài chính, bảo hiểm, du lịch...

NGHI VĂN

Tin cùng chuyên mục