Xuất khẩu gỗ, phát triển chưa bền vững

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2007 đạt 2,34 tỷ USD, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, dễ bị thương tổn bởi tác động bên ngoài.
Xuất khẩu gỗ, phát triển chưa bền vững

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2007 đạt 2,34 tỷ USD, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, dễ bị thương tổn bởi tác động bên ngoài.

Thiếu liên kết: Bán tăng, lời giảm! 

Theo Hiệp hội Gỗ và Chế biến Lâm sản Việt Nam (Vifores), hiện có trên 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gỗ, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cạnh đó, các doanh nghiệp lại thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm, tự tìm kiếm khách hàng cho riêng mình dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự ghìm giá để dành lấy hợp đồng, khiến thị trường xuất khẩu mất ổn định, mất cơ hội thực hiện các đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài.

Xuất khẩu gỗ, phát triển chưa bền vững ảnh 1

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ tham gia hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu.

Chính quy mô nhỏ của các doanh nghiệp, trình độ công nghệ sản xuất, chế biến, trình độ tổ chức quản lý kinh doanh, đến tay nghề đều yếu và nguyên phụ liệu nhập khẩu phần lớn đã gây không ít khó khăn cho ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 80% nguyên liệu gỗ, chiếm 60% giá thành sản phẩm, nên không ít doanh nghiệp Việt Nam trở thành nơi sản xuất gia công, do đó hiệu quả thu về thấp.

Mặc dù trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ có mức tăng trưởng khá cao, từ 219 triệu USD năm 2000 lên 2,34 tỷ USD vào năm 2007 và dự kiến sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD trong năm 2008, nhưng ngành này cần phải có nhiều giải pháp cụ thể để phát triển bền vững và có tính cạnh cao trong xu thế hội nhập.

Để phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, Bộ sẽ xúc tiến việc cấp chứng chỉ rừng, trong đó tổ chức tốt việc nhập khẩu nguyên liệu lâm sản nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích việc tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ để khẩn trương đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Chiến lược sản phẩm: sống còn 

Theo ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong chiến lược phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần phát triển mạnh các sản phẩm có ưu thế trong chế biến xuất khẩu. Trước mắt, cần tiếp tục khai thác thị trường gỗ ngoài trời (outdoor), vì đây là thế mạnh của Việt Nam. Về lâu dài, cần hướng tới các sản phẩm nội thất (indoor), đồng thời tăng tỷ lệ hàng cao cấp trong cơ cấu các mặt hàng gỗ nội thất. Ngoài các sản phẩm đơn thuần làm từ gỗ, cần phát triển các mặt hàng nội thất làm từ các chất liệu khác hoặc kết hợp nhiều chất liệu trong một sản phẩm nội thất. Việc đa dạng hóa sản phẩm không những giúp thâm nhập thị trường dễ hơn mà còn tránh được khả năng bị kiện bán phá giá.

Biện pháp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, đổi mới trang thiết bị chế biến gỗ, thiết kế, tạo dáng sản phẩm cũng là một khâu rất quan trọng. Ngoài ra, phải đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lâm sản, đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong nước và ngoài nước, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Ngoài ra, cần tăng cường việc mở rộng thị trường, trong đó tập trung phát triển mạnh các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Đồng thời, mở rộng ra những thị trường tiềm năng như Canada, Nga và các nước Đông Âu. Việc thâm nhập kênh phân phối của thị trường nhập khẩu lớn sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng thị phần đồng thời tiết kiệm chi phí marketing. 

“Thời gian tới ngành sản xuất xuất khẩu gỗ cần đẩy mạnh việc đầu tư tạo năng lực mới cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu và tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguồn nguyên liệu, nhất là đẩy mạnh việc hiện đại hóa công nghiệp chế biến với quy mô lớn để có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn của các đối tác nhập khẩu nước ngoài”.

Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương

PHƯỚC NGỌC

Tin cùng chuyên mục