Tiến tới hội nhập WTO

Cần sớm xây dựng hệ thống rào cản kỹ thuật

Cần sớm xây dựng hệ thống rào cản kỹ thuật

Gần đây trong một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cần xây dựng nhanh một số chính sách chuẩn bị cho công tác hội nhập, trong đó cần phải xây dựng các phương án phòng vệ chính đáng bằng các hàng rào kỹ thuật. Đây là công việc hết sức mới mẻ vì chúng ta chưa chuẩn bị nhiều về vấn đề này.

Cần sớm xây dựng hệ thống rào cản kỹ thuật ảnh 1
Máy chuyên dùng ráp cổ áo Vest hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm của Công ty cổ phần may Nhà Bè.

Việc xây dựng hệ thống tự vệ bằng các hàng rào kỹ thuật là công việc chủ động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước. Nó sẽ giúp làm giảm áp lực cạnh tranh của các sản phẩm nhập ngoại mà các nước thường có lợi thế, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện đầu tư nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng.

Theo quy định, Hiệp định rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) đòi hỏi các nước tham gia Hiệp định phải chấp hành.

Trước tiên, các bên cam kết không tạo ra các hàng rào về kỹ thuật đối với thương mại bằng cách phải minh bạch hóa các quy định theo các nguyên tắc xây dựng chung; phân định rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định kỹ thuật; hàng hóa phải được đối xử bình đẳng; xây dựng hệ thống phân phối hỏi đáp thông tin về các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa ở mỗi nước; các hàng hóa chỉ có thể thiết lập các yêu cầu kỹ thuật khi liên quan đến vệ sinh, an toàn, điều kiện môi trường… Chúng ta hiện chưa có những điều khoản tự bảo vệ này. Vậy bắt đầu như thế nào?

Theo một số chuyên gia, mục đích rào cản đối với thương mại chủ yếu bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường…

Đồng thời, đây cũng là các rào cản “hợp lý” nhằm hạn chế nhập khẩu, trong đó hạn chế nhập khẩu hàng hóa không đạt tiêu chuẩn từ các nước, tăng chi phí kiểm tra và kiểm định hàng hóa cũng như các chi phí lưu kho, bảo quản làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu. Vấn đề còn lại chính là phương thức tạo ra các rào cản này sao cho hợp với quy định chung của Hiệp định TBT.

Thực tế như Nhật Bản thường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao với những bộ tiêu chuẩn riêng không theo hệ thống ISO khiến cho hàng hóa các nước muốn vào thị trường này sẽ bị kiểm tra rất gắt gao.

Ở Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn về môi trường cực kỳ khắt khe, các yêu cầu về an toàn trong sử dụng. Với EU, các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng như các chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Còn thực tế ở nước ta trong thời gian qua, các bộ Tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành hầu như không còn phù hợp với xu thế phát triển nhanh về công nghệ, yêu cầu bảo vệ môi trường.

Việc chỉnh sửa và nâng các bộ tiêu chuẩn này cũng như ban hành thêm các tiêu chuẩn mới hiện hết sức cần thiết, song khối lượng công việc này cũng rất nhiều. Tại Bộ Công nghiệp, chỉ sơ bộ rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật cho 4 ngành hóa chất, thép, thiết bị điện và dệt may, thì trong hàng trăm tiêu chuẩn kỹ thuật của mỗi ngành đã có hàng chục tiêu chuẩn không còn tương thích, gần cả trăm tiêu chuẩn cần xây dựng mới trong giai đoạn tới.

Đơn cử trong ngành thép, rà soát 250 tiêu chuẩn kỹ thuật, có đến 26 tiêu chuẩn không tương thích và trong 3 năm tới cần xây dựng mới 52 tiêu chuẩn. Ngành dệt có gần 200 tiêu chuẩn trong đó có tới 72 tiêu chuẩn cần phải xem xét hoặc thay thế do không còn phù hợp với xu thế chung, 49 tiêu chuẩn cần được xây dựng mới tập trung vào các phương pháp xác định tồn dư kim loại và hóa chất có tác động đến con người; bổ sung thêm các nội dung về quy cách ghi nhãn hàng hóa, bao gói; xây dựng và ban hành danh mục thuốc nhuộm độc hại không được phép sử dụng tại Việt Nam và các quy định không được sử dụng các nguyên liệu dệt có sử dụng thuốc nhuộm trong danh mục này. Điều này cũng tương tự trong các ngành thiết bị điện và hóa chất...

Việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống rào cản kỹ thuật là rất cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước. Trong một thời gian ngắn, khối lượng công việc phải hoàn thành rất lớn, đòi hỏi cần được tập trung sức người, sức của từ các ngành có liên quan.

Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp cũng rất cần thiết, ngoài việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, cũng cần chủ động nghiên cứu đề xuất với các cơ quan quản lý các biện pháp và chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ bảo vệ sản xuất cho chính mình, thông qua vai trò của Hiệp hội ngành nghề. 

VĂN MINH HOA

 

Tin cùng chuyên mục