Câu chuyện hội nhập

Chuẩn bị cho vụ kiện chống phá giá

1-

Diễn biến của mỗi vụ kiện chống phá giá luôn mang bất ngờ đến cho các doanh nghiệp và chuyên gia về luật chống phá giá ngay cả khi họ có nhiều kinh nghiệm tham gia những vụ kiện như vậy trên thực tế.

Theo thống kê không chính thức, trong hầu hết 90% vụ kiện chống phá giá tại Mỹ, kết quả điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đều dẫn đến kết luận có bán phá giá và áp đặt thuế chống phá giá, ngay cả khi những doanh nghiệp bị đối xử không công bằng đó thuộc những nước lớn như Trung Quốc, Nga hoặc các quốc gia phương Tây có quan hệ tốt với Mỹ.

Lúc khởi đầu vụ kiện cá basa, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều hy vọng Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ đối với việc áp dụng thuế chống phá giá do mối quan hệ đặc biệt trong quá khứ và hiện tại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là khi cả hai bên đều đồng ý khép lại quá khứ để hướng về tương lai và chính phủ Mỹ luôn khuyến khích những quốc gia đang phát triển như Việt Nam cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường.

Phía Mỹ luôn thuyết phục Việt Nam tôn trọng tự do mậu dịch cùng những cam kết mở rộng thị trường nội địa cho doanh nghiệp Mỹ. Đã có những diễn biến và dấu hiệu khả quan từ nhiều bên khác nhau khiến có thể tin rằng phía Mỹ có thể có thái độ khác trong vụ kiện cá basa thay vì mặc nhiên bảo hộ mậu dịch như trong những trường hợp khác. Song trên thực tế chính quyền Mỹ vẫn chỉ bảo vệ lợi ích của những tập đoàn kinh tế đã góp nhiều tiền cho cuộc tranh cử trước đó của đảng cầm quyền dù sự bảo hộ ấy đi ngược lại những chính sách tự do mậu dịch cao đẹp mà Mỹ thường đề cao và muốn các quốc gia khác tuân thủ.

Việc điều tra và giải quyết một vụ kiện chống phá giá nhìn chung mang tính chất pháp lý thuần túy mặc dù ảnh hưởng chính trị là điều không tránh khỏi do khuynh hướng bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa của chính quyền Mỹ. Thủ tục chống phá giá không khuyến khích những giải pháp mang tính thỏa hiệp, trái lại trong hầu hết các trường hợp, cơ quan giải quyết vụ kiện đã áp thuế chống phá giá bất chấp lợi ích của người tiêu dùng Mỹ.

Nhằm đối phó với các vụ kiện chống phá giá trong tương lai, đặc biệt ngành dệt may với nguy cơ phía Mỹ có thể tiến hành điều tra bất kỳ lúc nào, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị trước và cẩn thận những vấn đề sau đây:

1- Thông tin về cơ cấu tổ chức và lịch sử hình thành công ty, các thay đổi về quyền sở hữu và cơ cấu vốn của công ty, quá trình xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, mua sắm tài sản, máy móc, thiết bị, tuyển dụng nhân viên điều hành và quản lý, hoạt động kinh doanh hàng ngày và mạng lưới phân phối của công ty.

2-
Rà soát lại hệ thống kế toán nội bộ, bảng kê các tài khoản, cách thức lưu trữ hồ sơ bán hàng trong sổ sách kế toán của công ty (bắt đầu từ thời điểm nhận chào hàng đến khi hoàn tất thanh toán và ghi nhận trong sổ sách kế toán), loại tiền tệ dùng trong từng giao dịch cụ thể.

3-
Quy trình bán hàng sang Hoa Kỳ, điều kiện thương mại của từng chuyến hàng, cách ghi chép về khách hàng trong hệ thống kế toán, quá trình đàm phán giao dịch bán hàng và xác lập mức giá, thỏa thuận điều chỉnh giá hoặc tăng giảm khối lượng, chi phí vận chuyển được thanh toán bằng loại tiền tệ có khả năng chuyển đổi hoặc khoảng cách vận chuyển nếu cước phí thanh toán bằng tiền Việt Nam.

4-
Quy trình sản xuất sản phẩm bị điều tra, lượng tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào tính trên đơn vị đo lường sản phẩm, số lượng lao động trực tiếp và gián tiếp tính trên đơn vị sản lượng, cách ghi chép số liệu mua nguyên vật liệu trong tài liệu kế toán, số liệu về đóng gói, kể cả nguyên vật liệu và nhân công gắn liền với việc đóng gói sản phẩm bị điều tra.

Dựa trên kinh nghiệm của vụ kiện cá basa, tôm và giày da, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không thể trông chờ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (đối với những vụ kiện tại Mỹ) hoặc Ủy ban châu Âu (đối với những vụ kiện tại châu Âu) kết luận không có hành động bán phá giá, mà phải từng bước đấu tranh về phương diện pháp lý với những cơ quan này để đạt được biên phá giá thấp nhất.

Luật sư LÊ CÔNG ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục