Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ ở các công ty Vận tải Xăng dầu VITACO, VIPCO

Giải quyết đúng những nảy sinh từ thực tiễn

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2007, có một số bài viết trên báo Thanh Niên bày tỏ sự không đồng tình với phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của các công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO và VITACO. Nội dung cho rằng có sự ưu ái đối với Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), một cổ đông chiếm giữ 51% vốn ở các công ty này. Các bài viết dẫn lời một số cổ đông và chuyên viên thị trường chứng khoán cho rằng phương án phát hành cổ phiếu tạo sự bất bình đẳng giữa các cổ đông, cổ đông lớn ép cổ đông nhỏ… là những phương án phát hành cổ phiếu kỳ cục.

Tuy nhiên, ở góc độ rộng hơn, chúng tôi lại có cách nhìn khác. Trước hết, phải thấy rằng, tiền thân của các công ty VIPCO và VITACO là những DNNN được cổ phần hóa theo các quyết định của Chính phủ, trong đó Petrolimex chiếm giữ 51% vốn. Thực chất, Petrolimex – một tổng công ty Nhà nước, là đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty này. Petrolimex không phải là một công ty mẹ đã CPH mà các công ty VIPCO và VITACO là công ty con thành viên. Trong khi đó, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước phản ánh qua các Nghị quyết Đại hội IX, Nghị quyết Đại hội X đều khẳng định: CPH DNNN phải nhằm bảo toàn vốn Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo lợi ích người lao động. Việc phát hành cổ phiếu là nhằm huy động sự đóng góp của xã hội cho các mục tiêu chủ yếu này.

Như vậy, trong quá trình phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, Petrolimex và các công ty CP VIPCO và VITACO phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giữ vững tỷ lệ vốn Nhà nước tại đây là 51%. Hiển nhiên, Petrolimex phải nắm 51% trong tổng số vốn phát hành tăng vốn điều lệ – 178,8 tỷ VND của VIPCO và 200 tỷ VND của VITACO.

Việc các cổ đông nhỏ và một số chuyên viên thị trường chứng khoán thắc mắc về sự chênh lệch giá cổ phiếu là điều bình thường. Vì, họ căn cứ trên mức độ cư xử bình đẳng giữa các cổ đông. Thế nhưng, cần đặt câu hỏi: thế nào là bình đẳng? Nếu Petrolimex thẳng thừng chấp nhận đấu giá toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm, thì vốn huy động được ở tổng công ty nhà nước này làm sao đủ đảm bảo giữ vững tỷ lệ 51% vốn mà Nhà nước đã quy định?

Có ý kiến còn cho rằng, các công ty VIPCO, VITACO và Petrolimex đã vi phạm các nguyên tắc của pháp luật, mà trước hết là Luật Doanh nghiệp. Cần phải hiểu, xây dựng Luật Doanh nghiệp suy cho cùng là tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cùng tồn tại, hoạt động và phát triển trong nền kinh tế. Thế nhưng, để đảm bảo thực thi đường lối của Đảng và Nhà nước xuyên suốt từ Cương lĩnh Xây dựng đất nước năm 1991: “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân” thì cần phải điều chỉnh Luật Doanh nghiệp cho phù hợp. Chúng ta cũng đã, đang và sẽ chỉnh sửa, bổ sung nhiều văn bản luật để nhằm giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để CPH DNNN đi đúng hướng, rất cần rà soát, bổ sung, chỉnh sửa nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Nhà nước cần phải tăng cường quản lý hơn nữa trong giai đoạn hậu CPH để không trở thành quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước.

CHÂU LONG

Tin cùng chuyên mục