Tiến trình hội nhập

Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại), hiện nay hệ thống xúc tiến thương mại (XTTM) trên toàn quốc đã được thiết lập và bắt đầu có sự kết nối hoạt động từ trung ương đến địa phương, từ cả trong nước đến nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của công tác XTTM vẫn còn khiêm tốn so với nỗ lực và chi phí đã bỏ ra. Trong tương lai, cần có sự đổi mới công tác XTTM phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh trùng lặp gây lãng phí và đáp ứng yêu cầu phát triển mới trong công tác xuất khẩu.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại), hiện nay hệ thống xúc tiến thương mại (XTTM) trên toàn quốc đã được thiết lập và bắt đầu có sự kết nối hoạt động từ trung ương đến địa phương, từ cả trong nước đến nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của công tác XTTM vẫn còn khiêm tốn so với nỗ lực và chi phí đã bỏ ra. Trong tương lai, cần có sự đổi mới công tác XTTM phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh trùng lặp gây lãng phí và đáp ứng yêu cầu phát triển mới trong công tác xuất khẩu.  

  • Tiền nhiều nhưng chưa hiệu quả  
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại ảnh 1
Gian hàng của Công ty CP SX-DV Dệt May Phước Long tại Hội chợ Thời trang Việt Nam-VFF 2007. Ảnh: P.N

Đến nay, 64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã có bộ phận chuyên trách về XTTM, trong đó có 50 địa phương thành lập Trung tâm XTTM, số còn lại do các sở Thương mại hoặc Du lịch thành lập bộ phận chuyên trách đảm nhận. Bên cạnh đó, còn có 67 hiệp hội ngành hàng, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan thương vụ và các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài. Đây là các cơ quan có tầm quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, tư vấn kinh doanh, tổ chức các hoạt động XTTM và nhất là đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam. Mỗi năm, ngân sách trung ương và địa phương chi hàng trăm tỷ đồng cho các kế hoạch XTTM của từng ngành hàng, hiệp hội.

 Các tổ chức XTTM tại các địa phương được thành lập đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường, đẩy mạnh việc xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi kinh tế hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, các yếu tố của nến kinh tế thị trường phát triển về chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Trên thực tế, hiện nay, các tổ chức XTTM tại Việt Nam là những đơn vị mới thành lập, cơ cấu tổ chức chưa định rõ nét, nguồn nhân lực còn mỏng cả về số lượng và chất lượng, sự phối hợp còn mang tính tự phát, việc đầu tư ngân sách cho hoạt động XTTM, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với nhiệm vụ, yêu cầu của giai đoạn mới. Một số đơn vị còn thiếu tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức dẫn đến một số chương trình không thể thực hiện được hoặc thực hiện nhưng đạt kết quả không tốt như: năm 2006, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ thực hiện được 50% chương trình được phê duyệt, Tổng công ty Rau quả nông sản thực hiện 40% chương trình được duyệt.
 
Điều này đòi hỏi hệ thống XTTM cần lấy khách hàng của mình, các doanh nghiệp làm trung tâm, chương trình XTTM phải hướng vào thị trường và sản phẩm cụ thể, phương thức triển khai phải chuyên nghiệp và có tính sáng tạo. Việc thiết lập một hành lang pháp lý cho hoạt động XTTM và xây dựng một chiến lược phát triển các tổ chức XTTM đã trở thành một thách thức đối với hệ thống XTTM tại Việt Nam hiện nay.

  • Để tận dụng tối đa các cơ hội, tránh trùng lắp 

Từ năm 2006, chương trình XTTM quốc gia được thực hiện theo quy chế xây dựng và thực hiện chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2006-2010 và đây cũng là năm đầu tiên thực hiện quy chế mới của Thủ tướng Chính phủ về chương trình XTTM quốc gia. Việc ban hành quy chế mới đã khắc phục được những tồn tại, vướng mắc như tránh được hiện tượng chồng chéo chương trình giữa các tổng công ty và hiệp hội trong cùng một ngành hàng, giúp các đơn vị chủ trì, các hiệp hội ngành hàng chủ động hơn trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình XTTM quốc gia. 
 
Ngoài ra, chương trình XTTM giai đoạn 2006-2010 được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định gồm 15 ủy viên là đại diện Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN-PTNT, Bộ Công nghiệp, Bộ Thủy sản và Bộ Bưu chính Viễn thông. Hội đồng thẩm này có quy chế làm việc riêng, hàng năm thẩm định các đề án theo tiêu chí phê duyệt và quy trình làm việc rõ ràng và thời gian thẩm định và ra quyết định có thể dự báo trước. Việc này giúp cho việc thực hiện chương trình XTTM của các đơn vị chủ trì được thực hiện tốt hơn.
 
Để đẩy mạnh việc thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác XTTM trong thời gian tới, Cục XTTM đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, về cơ chế chính sách, Chính phủ đã có chủ trương thành lập quỹ XTTM- đầu tư- du lịch thay thế quỹ hỗ trợ xuất khẩu. Các khoản chi cho chương trình XTTM quốc gia sẽ lấy từ quỹ này để phù hợp với quy định của WTO. Theo Cục XTTM, quỹ này hoạt động hiệu quả chính là hỗ trợ doanh nghiệp nên cần mở rộng phát triển cả thị trường nội địa, gắn kết đầu tư và du lịch; nghiên cứu các hình thức chi để doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, cải tiến mẫu mã và sản phẩm mới, nâng cao năng lực cho các cơ quan chủ trì chương trình xúc tiến, bảo vệ và phát triển thương hiệu vùng. Một yếu tố được xem trọng là cần có sự phê duyệt sớm cả nội dung và kinh phí của các chương trình để phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực và thế giới.
 
Về hệ thống tổ chức, tránh tình trạng cạnh tranh và chồng chéo dẫn đến trùng lắp trong các hoạt động XTTM giữa các địa phương sẽ gây lãng phí, tới đây sẽ xây dựng mô hình Trung tâm XTTM địa phương và điều phối các hoạt động XTTM trên cả nước để tận dụng tối đa các cơ hội tham gia XTTM cho doanh nghiệp. Do vậy, đối với cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM sẽ không chỉ giới hạn ở các trung tâm hội chợ triển lãm mà bao gồm tất cả những hạ tầng kỹ thuật có liên quan như kho ngoại quan, kho bảo ôn kiêm sơ chế tại cửa khẩu, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) để xử lý tin thương mại hoặc giao dịch trực tuyến... sẽ được quy hoạch theo khu vực vùng miền và trên quy mô cả nước. Việc khảo sát và quy hoạch này sẽ tập trung đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng hiện tại, từ đó hoạch định sẽ cần phải đầu tư những gì, quy mô ra sao, ở đâu... một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế để mang lại hiệu quả cao nhất 
 
 

VĂN MINH HOA
 

Tin cùng chuyên mục