Gia nhập WTO: Xây dựng đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường

3 nhiệm vụ để đẩy mạnh việc tuyên truyền và phổ biến thông tin về WTO
Gia nhập WTO: Xây dựng đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường

Cuối tuần qua, Chính phủ đã bắt đầu triển khai chương trình hành động để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chương trình hành động này xác định nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để đưa nước ta bước nhanh vào giai đoạn phát triển mới.

Gia nhập WTO: Xây dựng đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường ảnh 1

Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung lại quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đây là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp có thể hội nhập với kinh tế thế giới một cách toàn diện. Trước hết, công tác xây dựng pháp luật và thể chế đã được thực hiện gấp rút trong thời gian gần đây với việc tiến hành rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với cam kết trong WTO; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi đối tượng.

Tuy nhiên, theo các cam kết này, Nhà nước còn cần xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường. Đó là các thị trường lao động, bất động sản, tài chính-tiền tệ, khoa học công nghệ, chính sách giá... Theo đó, thị trường lao động cần được hoàn thiện thể chế như xây dựng hệ thống các quy định, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường này, thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường trong việc trả lương cho người lao động.

Chương trình của Chính phủ cũng yêu cầu hàng loạt các biện pháp để hình thành và phát triển thị trường bất động sản. Trong đó bao gồm tổng kiểm kê quỹ đất ở các địa phương, cơ sở; tổng kiểm kê quỹ nhà, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội; thu hồi và có kế hoạch sử dụng hiệu quả đất đai, trụ sở, nhà cửa đang được sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng theo quy định.

Để thị trường bất động sản hình thành, việc xây dựng phương án và lộ trình thực hiện giá giao đất và giá thuê đất theo cơ chế thị trường, kể cả giá thuê đất của doanh nghiệp nhà nước là cần thiết. Đồng thời, Chính phủ cũng đang nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hiệu quả hơn vào thị trường bất động sản; xây dựng cơ chế và quy trình đăng ký bất động sản thống nhất, công khai minh bạch, tạo điều kiện để lành mạnh hóa và đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch bất động sản.

Đối với thị trường tài chính tiền tệ, Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư và các dịch tài chính khác để phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao khả năng dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro và bất ổn có thể xảy ra, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và hiệu quả của thị trường tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ xây dựng hệ thống các tiêu chí, căn cứ để đánh giá chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; ban hành các quy định về chế độ kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, chế độ kiểm toán bắt buộc, cơ chế công khai thông tin bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng đề án chuyển đổi Ngân hàng Nhà nước trở thành Ngân hàng Trung ương, đảm bảo tính độc lập trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường nhằm phát triển toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, hoạt động đa năng, đa dạng về sở hữu, về loại hình tổ chức tín dụng, có quy mô hoạt động lớn và tài chính lành mạnh. Việc xây dựng đề án sẽ tạo tiền đề vững chắc để hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng Nhà nước theo nguyên tắc thị trường và vì mục tiêu lợi nhuận.

Về thị trường khoa học công nghệ, Chính phủ sẽ ban hành chính sách nhập khẩu công nghệ, khuyến khích hình thành các công ty xuất nhập khẩu công nghệ, nhất là ở những ngành, lĩnh vực có nhu cầu lớn. Ngoài ra, sẽ ban hành các quy định cụ thể để thúc đẩy các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và hình thành các doanh nghiệp khoa học-công nghệ.

Trong thời gian tới, tập trung vào các chính sách khuyến khích nhằm phát triển các dịch vụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn; các chính sách thúc đẩy sự phát triển các loại hình chợ công nghệ, hội chợ công nghệ, triển lãm công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và hình thành các trung tâm giao dịch công nghệ tại các vùng kinh tế trọng điểm.

VĂN MINH HOA

3 nhiệm vụ để đẩy mạnh việc tuyên truyền và phổ biến thông tin về WTO

- Tập trung đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết để cán bộ, công nhân viên chức và toàn dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Gia nhập WTO, những cơ hội, thách thức đặt ra khi Việt Nam là thành viên của WTO, phát huy ý chí tự lực tự cường huy động nội lực, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội mà Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra, đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam đã là thành viên của WTO.

- Sử dụng đa dạng các kênh thông tin và các phương tiện thông tin truyền thông, mở các lớp tập huấn để phổ biến các cơ hội, thách thức khi Việt Nam là thành viên của WTO cũng như nội dung các cam kết cụ thể cho các đối tượng có liên quan (cơ quan Nhà nước, chủ thể sản xuất, kinh doanh, hiệp hội ngành nghề) nhằm nâng cao hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc phải làm. Định hướng thông tin phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, để kịp thời chấn chỉnh các thông tin sai lệch về tác động của WTO và nhất là sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm vững chính sách phát triển kinh tế-xả hội của Việt Nam và các quy tắc, luật lệ của WTO.

- Tập huấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư, bảo đảm quy trình thẩm định đầu tư và cấp giấy chứng nhận theo đúng các cam kết quốc tế của Việt Nam.

 

Tin cùng chuyên mục