Đề xuất phương án rút ngắn thời gian nhận trả hồ sơ

Tính khả thi không cao

Trong các phương án lệch giờ vừa được Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất, có phương án bố trí lệch giờ đối với các bộ phận dịch vụ hành chính công, phòng công chứng. Theo đó, các bộ phận này sẽ tiếp nhận và trả hồ sơ bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc lúc 15 giờ. Ngay sau đề xuất được công bố, PV SGGP đã trực tiếp đến một số đơn vị nằm trong kế hoạch điều chỉnh để tìm hiểu đề xuất có thực sự khả thi.

Trong các phương án lệch giờ vừa được Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất, có phương án bố trí lệch giờ đối với các bộ phận dịch vụ hành chính công, phòng công chứng. Theo đó, các bộ phận này sẽ tiếp nhận và trả hồ sơ bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc lúc 15 giờ. Ngay sau đề xuất được công bố, PV SGGP đã trực tiếp đến một số đơn vị nằm trong kế hoạch điều chỉnh để tìm hiểu đề xuất có thực sự khả thi.

Ngay từ đầu giờ sáng, có mặt tại Phòng Công chứng số 1 (số 141 - 143 Pasteur, quận 3, TPHCM), chúng tôi chứng kiến khá đông người dân đến thực hiện các thủ tục công chứng. Khi được hỏi về đề xuất 9 giờ mới bắt đầu giao dịch với người dân, ông Nguyễn Hữu Lân (ngụ quận 3 - TPHCM) khẳng định ngay là không hợp lý và tiếp tục làm khó cho dân. Bởi với giờ giấc như hiện nay (thường bắt đầu nhận từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ) mà việc hoàn tất một thủ tục đã mất khá nhiều thời gian.

Trưởng phòng Công chứng số 1 Phan Văn Cheo cũng rất lo lắng cho tính khả thi của phương án. Tại Phòng Công chứng số 1, số lượng người dân giao dịch rất lớn, các thủ tục phần lớn công chứng viên đều hoàn tất ngay, không có nhiều thời gian chờ đợi tiếp nhận hay trả hồ sơ. Nếu đến 15 giờ “đóng cửa” trong khi người dân vẫn chờ thì khó có lý do để giải thích, chưa nói đến các vấn đề nảy sinh liên quan quản lý thời gian làm việc của cán bộ.

Tại bộ phận dịch vụ hành chính công quận Bình Thạnh, tình trạng quá tải khiến cho người dân phải chờ đợi lâu diễn ra hàng ngày. Bà Lê Thị Bích Khanh, Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết, lâu nay thời gian bắt đầu tiếp nhận hồ sơ lúc 7 giờ 30 phút đã diễn ra tình trạng như vậy, nếu giờ điều chỉnh lên 9 giờ và kết thúc quá sớm như đề xuất, khả năng “ùn tắc” trong xử lý của cán bộ và kéo dài thời gian chờ đợi của dân là không tránh khỏi. Với thời gian quy định như hiện nay, người dân có thể đến với số lượng khác nhau trong từng thời điểm khác nhau, dù hơi quá tải, nhưng chúng tôi có thể xử lý kịp. Nhưng nếu hàng trăm người dân đến chờ đợi, đúng 9 giờ mở cửa tiếp nhận, thật sự là điều không một đơn vị nào có phương án xử lý hiệu quả được. Thực trạng này cũng được các quận - huyện nêu ra khi chúng tôi trao đổi.

Cùng với lo lắng của các quận - huyện, phòng công chứng, đại diện nhiều sở ngành cũng đều nhận định bố trí giờ làm việc rút ngắn sẽ gây không ít khó khăn cho người dân. Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, không nên quá áp dụng chung một phương án cho tất cả các đơn vị. Đối với quận huyện, không những không rút ngắn mà cần phải kéo dài thêm thời gian tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ, vì hiện nay đã có dấu hiệu quá tải. Đối với các sở ngành, đoàn thể thì có thể thực thi phương án này được, vì bộ phận tiếp nhận hồ sơ nhiều sở ngành có tính chất chuyên biệt so với bộ phận xử lý, nên người dân có thể đến nộp và nhận vào các thời điểm khác nhau. Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Nguyễn Đình Môn tỏ ra không tin tưởng vào tính hiệu quả của đề xuất. Vì chống ùn tắc giao thông là tổng hợp của các giải pháp, trong đó bố trí lệch giờ, lệch ca nếu không tính toán kỹ rất khó đem lại hiệu quả.

Trước những nghi ngại của các đơn vị về đề xuất này, Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, phương án bố trí rút ngắn thời gian tiếp nhận và trả hồ sơ ở các đơn dịch vụ hành chính công, các phòng công chứng đã được các sở, ngành bàn bạc khá kỹ trong cuộc họp ngày 4-10 trước đây dựa trên tình hình thực tế khảo sát một số bộ phận hành chính công ở các đơn vị. Sắp tới, Sở LĐTB-XH và các sở ngành khác tiếp tục thu thập ý kiến để hoàn chỉnh đề án, nếu xét thấy không khả thi sẽ tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp. 

NGỌC LỮ

Tin cùng chuyên mục