Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2017)

Tỏa sáng giữa thời bình

Trong chiến tranh, họ đã từng đối mặt với cái chết cận kề. Trong thời bình, họ phấn đấu vượt qua gian khó để phát triển kinh tế, trở lại giúp đỡ đồng đội ngày xưa đang gặp cảnh khó khăn, cùng nhiều mảnh đời bất hạnh trong xã hội. 
Xưởng gỗ của ông Tạ Ngọc Quang (đứng giữa) tạo công ăn việc làm cho nhiều con em thương bệnh binh
Xưởng gỗ của ông Tạ Ngọc Quang (đứng giữa) tạo công ăn việc làm cho nhiều con em thương bệnh binh
Gian khó thời bình có là chi
Khoác chiếc áo lính đã sờn đôi chỗ, uống hết ngụm trà còn lại, ông Tạ Ngọc Quang (66 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) bước qua xưởng mộc của gia đình. Như một thói quen, cứ đến gần ngày 27-7, ông lại mặc vào chiếc áo lính - mà ông cất giữ gần 40 năm qua - để tưởng nhớ về đồng đội. Hàng ngày, ông qua xưởng từ sáng sớm, xem những sản phẩm ghế, tủ, bàn đang làm dang dở có chỗ nào chưa tốt, để khi “tụi nhỏ” đến sẽ chỉ bảo làm lại. Xưởng có 15 người thợ, 3 người là con rể của ông Quang, 12 người còn lại đều là con, cháu của các thương bệnh binh, những đồng đội ngày xưa chiến đấu cùng ông. 
Hồi mới giải phóng, nhà nghèo đến nỗi có khi hơn 3 tháng trời gia đình ông Quang không có miếng thịt, cá để ăn. May mắn ông được người quen dạy cho nghề mộc, rồi ông vay mượn bạn bè ít tiền và mở xưởng. Một lần đi thăm đồng đội, thấy hoàn cảnh người cùng chiến đấu ngày xưa quá khó khăn, ông ngỏ lời nhận con bạn về dạy nghề và làm việc tại xưởng, dù khi đó ông đang nợ nần chồng chất. Cứ thế, hễ mỗi lần đi thăm đồng đội thì ông Quang lại đưa về thêm một “thợ”. Tiếng lành lan ra, con của nhiều thương bệnh binh tìm đến xưởng xin học nghề và ông không từ chối một ai. Có người học xong thì ra mở xưởng, đi làm nơi khác, có người ở lại làm cùng ông với mức thu nhập từ 7,5 triệu đến gần 11 triệu đồng/tháng. 
Ngày còn tham gia chiến đấu, một lần ông bị dính bom, đồng đội ngỡ ông đã hy sinh; trong lúc đưa ông đi chôn thì gặp một trận mưa lớn, thấy ông còn cử động, mọi người vội cứu chữa. Đã một lần tiệm cận cái chết nên với ông Quang, những gian khó trong thời bình có là chi. Dù tuổi đã cao, hàng ngày ông vẫn chạy xe máy ngược xuôi giữa 2 xưởng mộc tại quận Tân Bình và huyện Bình Chánh để chỉ bảo “tụi nhỏ” làm việc. Những đồng tiền lời có được, ngoài chăm lo gia đình, ông Quang dành một phần để thăm hỏi, giúp đỡ những đồng đội ngày xưa đang gặp cuộc sống khó khăn và bà con nghèo. 
Ông Quang thường nhắc với các con (nay đã là bác sĩ, y sĩ), đồng đội ông có người đã nằm xuống, có người phải bỏ một phần cơ thể lại chiến trường. Ông may mắn hơn, dù vẫn còn mảnh bom trong đầu nhưng tay chân lành lặn. Mảnh bom ấy những lúc trái gió trở trời lại làm ông đau đớn, nhưng chính nó nhắc ông nhớ về đồng đội - động lực để ông tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội.
Một người thương binh cũng hết lòng vì đồng đội là ông Nguyễn Văn Hường (quê Quảng Nam, 65 tuổi, nay ngụ quận Gò Vấp, TPHCM). Trải qua thời gian dài chiến đấu gan dạ với 3 lần vào tù, 7 lần bị thương (nay vẫn còn 2 mảnh đạn trong người) cùng nhiều chiến công hiển hách, khi hòa bình, ông Hường quyết tâm phát triển kinh tế để vượt nghèo và giúp đỡ đồng đội khó khăn. Nhắc lại câu chuyện ngày xưa ông bán cặp nhẫn cưới cùng đôi bông tai của vợ để giúp đồng đội xây nhà, vợ ông Hường bảo: “Khi đó tôi giận lắm, nhưng sau nghĩ lại thì thấy thương chồng, bởi ông ấy quá trân quý tình đồng đội”. Từ cái thời làm phó chủ tịch phường, hay khi phải ngồi sửa từng chiếc xe đạp cho khách, tối hì hục nấu bia tươi để bán, rồi đi làm thợ hồ, mua bán cây cũ, đến làm thầu xây dựng, suốt quãng thời gian dài ấy, dù đang khó khăn ông vẫn sẵn lòng giúp đỡ đồng đội ít vốn làm ăn, chi phí chữa bệnh hay sửa lại mái nhà. 
Không chỉ vậy, ông Hường còn sốt sắng tham gia công tác xã hội và xem đây là cách đền ơn đáp nghĩa đồng đội cùng chiến đấu. Khi cuộc sống dư dả, ông góp sức cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, xây đường tại quê nhà và các tỉnh Bến Tre, Long An, Tây Ninh, TPHCM. Nói về những việc mình làm, ông Hường cười đôn hậu: “Tôi chỉ cố gắng để vượt nghèo, để mình không là gánh nặng của xã hội. Còn việc giúp đỡ đồng đội, tôi xem đây là trách nhiệm, bởi thời chiến tranh họ đã che chở cho tôi được sống”. 
Nợ ân tình biết trả làm sao
Nhắc lại trận đánh tại Phú Thọ Hòa (nay là phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) của gần 50 năm trước, nước mắt bà Lại Thị Kim Túy (70 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lại rơi. Trận đánh ấy, đội của bà có 44 người và chỉ còn 6 người sống sót, trong đó có bà, thế nhưng gia đình lại nhận giấy báo bà đã hy sinh. 3 tháng sau, bà trở về nhà trong nước mắt mừng vui của người mẹ già. Chính cái nợ ân tình ấy mà hàng năm, cứ đến ngày 13-1, bà lại thuê xe về Long An đón thân nhân của 38 người anh hùng đã hy sinh lên TPHCM để tổ chức ngày giỗ tập thể. Bà đi Tây Ninh rước cả gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Cúc đưa về nhà mình chăm sóc. Có thể nói, bà Túy đã dành cả đời mình để trả nợ ân tình, góp sức chăm lo cho các thương bệnh binh, gia đình chính sách.
Chiến tranh đã khiến bà mất mát quá nhiều, không chỉ 38 đồng đội, bản thân bà là thương binh, có chồng, cha và 4 anh em là liệt sĩ. Hòa bình, bà Túy một mình bươn chải, ngày đi làm, tối nuôi heo, dệt vải, rang đậu phộng bán… để chăm lo mẹ già, các cháu và con nên người. Dư chút ít tiền, bà lại về Long An - nơi ngày xưa các má, các dì nuôi giấu bà và đồng đội - để chăm lo cho các gia đình còn khó khăn. Nay tuổi già sức yếu, bà vẫn đi vận động khắp nơi để hỗ trợ các thương binh, các gia đình nghèo. 
“Hình ảnh các anh, các chị, các em với tiếng hô xung phong rồi sau đó ngã xuống trước mắt mình còn mãi trong tâm trí tôi suốt những năm qua. Họ nằm xuống để tôi được sống và để có hòa bình hôm nay. Nợ ân tình đó, tôi không biết phải trả làm sao”, bà Túy rưng rưng nước mắt. 
Ông Tạ Ngọc Quang luôn trăn trở về cuộc sống còn khó khăn của đồng đội cũ. Nhiều người khi trái gió trở trời vết thương lại đau nhức, số tiền trợ cấp không đủ cho chi phí hàng ngày. “Làm sao để anh em có cuộc sống khá hơn” là câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu ông Quang mỗi khi nhớ về những người cùng kề vai chiến đấu. Còn bà Lại Thị Kim Túy thì mong muốn có phương án giúp gia đình thương bệnh binh một cách căn cơ. “Tôi muốn tạo cơ sở gì đó cho con các thương binh làm ăn, nhưng do tuổi cao lại không có tay nghề chuyên môn nên không biết làm gì. Tôi có mặt bằng nhà khá rộng ở TPHCM, có mảnh đất trống ở Long An mà nghĩ mãi cũng chưa ra cách”, bà Túy tâm sự.

Tin cùng chuyên mục