Trí thức kiều bào góp ý dựng xây đất nước

Ngày 7-6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nhóm “Sáng kiến Việt Nam” (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”.
Trí thức kiều bào góp ý dựng xây đất nước

Ngày 7-6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nhóm “Sáng kiến Việt Nam” (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân tặng quà các đại biểu trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã có nhiều thành công toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết dẫn đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế còn yếu. Những khiếm khuyết này cần được nghiên cứu và hoàn thiện từ cơ chế, chính sách đến các điều kiện đảm bảo, để Việt Nam phát triển đúng định hướng đã chọn, hội nhập thành công khi mà nguồn vốn tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực cơ bản để phát triển đất nước.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về các nội dung: đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Các đại biểu đi sâu trao đổi về mô hình tăng trưởng của Việt Nam, so sánh mô hình tăng trưởng ở Việt Nam với các nước Đông Á khác; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng đặt trong mối quan hệ với quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu; cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tối cùng ngày, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi gặp mặt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi, thảo luận về những vấn đề lớn để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tương lai. GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS-TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam chủ trì hội nghị.

Thay mặt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chúc mừng sự có mặt của những chuyên gia, trí thức lớn người Việt Nam ở nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Australia, Hàn Quốc… đã hưởng ứng sự kêu gọi của Đảng, Chính phủ và MTTQ Việt Nam để cùng có những sáng kiến, đóng góp cho đất nước. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã cung cấp một số thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội sau 30 năm đổi mới, đồng thời đặt ra 5 bài toán phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh về nông nghiệp; trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới; phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh; nhân lực khoa học - công nghệ của Việt Nam: tốp 3 ASEAN trước năm 2025; Việt Nam trở thành nước mạnh về du lịch. “Đây là 5 vấn đề cần các trí thức tham gia đóng góp ý kiến để góp phần chung tay phát triển đất nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chia sẻ về 5 vấn đề mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đặt ra, đại diện các trí thức kiều bào cho rằng đây là những điểm rất đúng và rất trúng với bức tranh kinh tế của đất nước. Cho rằng chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp cũng như có thế mạnh phát triển trở thành một quốc gia du lịch, GS Trần Ngọc Anh - Giám đốc Nhóm sáng kiến Việt Nam, nhấn mạnh, nông nghiệp là nền tảng cho phát triển của đất nước, tuy nhiên để phát triển cần phải công nghiệp hóa cũng như phải có sự chú trọng về vấn đề con người, vấn đề đào tạo nhân lực. “Cần quan tâm, chú ý đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là chất lượng giáo dục đại học”, GS Trần Ngọc Anh chia sẻ. Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính - ngân hàng Mỹ) cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn, vòng quay của hàng hóa tốt nhưng chưa thực hiện được nền kinh tế tiền tệ ổn định. Sự lệch pha đó làm chậm sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị Chính phủ, MTTQ quan tâm hơn đến nền kinh tế tiền tệ trong thời gian tới. PGS-TS Nguyễn Văn Thuận - chuyên gia hàng đầu thế giới ở lĩnh vực tái biệt hóa tế bào và công nghệ sinh học ứng dụng trên động vật như sinh sản vô tính động vật, đã cho biết nền nông nghiệp Việt Nam muốn tăng năng suất và chuyển biến về chất trong nông nghiệp cần có từng bước làm chủ nguồn gen. Ông Nguyễn Văn Thuận bày tỏ mong muốn Nhà nước cần quan tâm và có đầu tư cho nông nghiệp, một trong những trụ cột phát triển nông nghiệp chính là xây dựng và bảo vệ nguồn gen ở Việt Nam.

Cũng tại buổi gặp mặt, những số liệu chính thức về nền kinh tế Việt Nam, thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật, xu hướng và lợi thế cạnh tranh của quốc gia cũng đã được thảo luận. Con số ấn tương được công bố tại buổi gặp mặt đó là nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 36 thế giới (tính theo sức mua tương đương).

Đáng chú ý, từ thành công của diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu đều mong muốn hội nghị được tổ chức thường xuyên để các trí thức kiều bào có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

BẢO MINH - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục