Vị vua cuối cùng trong lịch sử Nepal

Vị vua cuối cùng trong lịch sử Nepal

Vào ngày 15-6 tới, Gyanendra vị vua cuối cùng của Hoàng gia Nepal sẽ rời khỏi cung điện Narayanhiti lộng lẫy để bắt đầu cuộc sống như một người dân, kết thúc những ngày tháng sống trong xa hoa, quyền quý.

Sai lầm của cựu vương

Cựu vương Gyanendra đã chính thức thoái vị vào ngày 28-5, chấm dứt triều đại Hoàng gia Nepal kéo dài 239 năm. Chỗ ở mới của cựu vương là cung điện Nagarjuna, nằm trong thung lũng Kathmandu, nơi trước kia vốn là chỗ dừng chân của ông và gia đình vào mỗi mùa hè. Cung điện này nhỏ, không có nhiều tiện nghi hiện đại như cung điện Narayanhiti. Theo quyết định của quốc hội mới, ngoài việc bị rũ bỏ tước vị, ông Gyanendra sẽ không được hưởng bất kỳ một bổng lộc và trợ cấp nào.

Tất cả tài sản và 7 cung điện của cựu vương sẽ được sung vào công quỹ nhà nước. Hoàng cung sẽ trở thành một viện bảo tàng lịch sử quốc gia, hứa hẹn có nhiều du khách đến tham quan, vì từ trước đến nay, cuộc sống trong cung cấm Nepal vốn là một điều bí ẩn. Lo ngại cho sự an toàn của mình, ông Gyanendra đã khẩn khoản kêu gọi quốc hội mới cung cấp một số lượng binh sĩ để canh gác ngoài khu vực mình sinh sống. Thể theo nguyện vọng của ông, quốc hội mới đã ban một đặc ân, cử 75 binh sĩ đến thay nhau canh gác cho vị vua đã thoái vị này.

Vị vua cuối cùng trong lịch sử Nepal ảnh 1

Cựu vương Gyanendra

Không còn quyền lực, tước bỏ hết bổng lộc, người dân Nepal đang tự hỏi, không biết cựu hoàng Gyanendra sẽ sinh sống ra sao khi tự ông sẽ phải thanh toán các hóa đơn chi phí hàng tháng và khoản nợ tiền điện gần 90.000 USD.

Triều đại Hoàng gia Nepal đã kết thúc trong sự reo hò, vui mừng của mọi người dân. Đây là hậu quả tất yếu do những sai lầm của cựu vương Gyanendra sau nhiều năm lãnh đạo đất nước. Cựu vương Gyanendra lên làm vua tháng 6-2001 sau thảm họa đẫm máu trong hoàng cung Nepal. Người Nepal coi Quốc vương như hiện thân của thần Vishnu, vị Chúa bảo vệ của đạo Hindu, nhưng họ đã hoàn toàn thất vọng vì Gyanendra tỏ ra là người bảo vệ “tồi”.

Trước khi lên làm vua, Gyanendra đóng vai trò mờ nhạt trong công việc triều chính. Ông được giao phụ trách vấn đề sinh thái và môi trường. Ông là nhân vật hàng đầu trong Quỹ Vua Mahendra về Bảo tồn thiên nhiên, có nhiệm vụ phối hợp hành động chặt chẽ với Quỹ Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF). Ông cũng nổi tiếng ham mê chuyện kinh doanh và làm chủ một khách sạn ở Kathmandu, một trang trại chè ở miền Đông Nepal và một nhà máy sản xuất thuốc lá. Ông yêu thơ, thích nghiên cứu tự nhiên, cưỡi ngựa và trước đây rất ít khi bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị.

Thế nhưng, ngay sau khi lên ngôi, vua Gyanendra đã tuyên bố ông sẽ không làm một quốc vương “thầm lặng” và sẽ đóng vai trò tích cực trong đời sống của người Nepal. Nhưng dưới thời của ông, dấu hiệu của bạo lực không hề thuyên giảm, mà trái lại, các cuộc tấn công ngày càng leo thang. Kể từ khi lực lượng nổi dậy bắt đầu nổi lên năm 1996, đã cướp mạng sống của hơn 10.000 người Nepal và vùng nông thôn gần như nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy.

Sau vài năm ở ngôi cao, Quốc vương Gyanendra chỉ làm được mỗi việc là sa thải thủ tướng cùng chính phủ và thông báo ông trực tiếp nắm quyền. Quốc vương Gyanendra phủ nhận việc ông muốn nắm toàn bộ quyền hành vào tay. Ông lập luận đó chẳng qua vì nội các đã không hoàn thành sự ủy thác của ông, trong đó có việc khôi phục hòa bình. Dưới lệnh của Quốc vương, nhiều chính trị gia, trong đó có thủ tướng bị sa thải Deuba đã bị quản thúc tại gia.

Việc làm này khiến ông không chỉ một mình đối mặt với lực lượng nổi dậy trong nước, mà còn phải gánh chịu sức ép quốc tế lớn, đặc biệt là từ Anh, Mỹ và Ấn Độ, những đối tác hậu thuẫn Nepal cả về chính trị lẫn kinh tế. Ngoài sự bất lực trong quá trình trấn áp lực lượng nổi dậy, Quốc vương Gyanendra cũng không hề có các nỗ lực đưa các đảng phái trong nước đến gần với Hoàng gia. Chính điều này đã gây ra làn sóng kêu gọi thiết lập chế độ mới tại Nepal, bởi các phe phái không muốn tiếp tục bị chiếc vương trượng của vị quốc vương này chi phối.

Hành động thiết quân luật và thâu tóm toàn bộ quyền lực điều hành đất nước, vào tháng 2-2005, đã khiến uy tín của Vua Gyanendra suy giảm nhanh chóng. Năm 2006, Vua Gyanendra đã buộc phải trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự sau làn sóng bãi công phản đối lan rộng trên toàn quốc. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4-2008, đảng Cộng sản Nepal-M (CPN-M) của lực lượng Maoist đã bất ngờ giành chiến thắng vang dội, chiếm tới 220 ghế trong Quốc hội 601 ghế, mở đường cho việc đưa Nepal trở thành nước dân chủ cộng hòa.

Tương lai nào của Nepal?

Đây là một câu hỏi vẫn bỏ ngỏ vì những gì đang diễn ra tại quốc hội mới của Nepal khiến người dân đang đặt câu hỏi hoài nghi. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội Nepal đã phải hoãn hơn 10 giờ, bởi lãnh đạo các đảng phái chính trị không đạt được đồng thuận trong vấn đề chia sẻ quyền lực, phân định quyền giữa thủ tướng và tổng thống lâm thời, cũng như việc chỉ định nốt 26 ghế còn lại trong Quốc hội.

Mâu thuẫn về việc phân chia quyền lực giữa các đảng phái vẫn chưa ngã ngũ. Hai chính đảng chủ chốt ở đây tuyên bố lực lượng Maoist không thể đề cử người của mình làm tổng thống hoặc thủ tướng. Đảng Quốc đại Nepal và đảng Cộng sản Nepal-UML (CPN-UML) quyết tâm gạt đảng Cộng sản Nepal-M (CPN-M) ra khỏi 2 chức vị này. Hai chính đảng trên muốn lực lượng cánh tả của CPN-M, chiếm nhiều số ghế nhất cuộc bầu cử quốc hội lập hiến tháng 4 vừa qua, phải dành một trong hai chức vị trên cho các đối tác liên minh khác.

Tương lai của Nepal ra sao sau khi trở thành một nhà nước cộng hòa vẫn còn để ngỏ. Một số nhà phân tích cho rằng, các lực lượng Maoist sẽ có mối quan hệ không êm thấm với quân đội Nepal khi hai bên vốn đối địch với nhau trong một thời gian dài. Những thế lực trung thành với hoàng gia cũng sẽ không chịu nằm yên. Ngoài ra, việc bị mắc kẹt giữa hai đất nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục biến Nepal thành một điểm rất nhạy cảm về địa lý - chính trị. 

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục