Sự dịch chuyển của các nhà khoa học Mỹ ra nước ngoài đang tạo ra một làn sóng “chảy máu chất xám” từ Mỹ, đồng thời mang lại lợi ích cho các quốc gia tiếp nhận thông qua việc tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới.

Trường Đại học Aix-Marseille đã triển khai chương trình trại khoa học mang tên “Safe Place for Science” (tạm dịch: Nơi an toàn cho khoa học) với ngân sách lên tới 15 triệu EUR, nhằm hỗ trợ khoảng 15 nhà nghiên cứu Mỹ trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và khoa học xã hội.
Trong số 298 đơn đăng ký làm việc tại trường, có 242 đơn đủ điều kiện, phần lớn đến từ nhiều trường đại học khác nhau của Mỹ, trong đó có các trường như Johns Hopkins, NASA, Yale, Stanford, Columbia, Pennsylvania…
Để tạo điều kiện cho các trường tìm được nhân tài, Chính phủ Pháp đã ra mắt một nền tảng để kết nối các trường đại học, các tổ chức với các nhà nghiên cứu quốc tế, được gọi là “Choose France for Science”. Nền tảng này đặc biệt quan tâm đến việc thu hút các nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, biến đổi khí hậu, công nghệ số và không gian.
Tờ Science Business dẫn nguồn tin từ Bộ Giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp cho biết, theo kế hoạch, nền tảng này sẽ được giới thiệu tại cuộc họp dành cho cộng đồng nghiên cứu toàn cầu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì vào ngày 5-5 tới.
Không chỉ Pháp, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác cũng bắt đầu tham gia cuộc đua.
Hội đồng nghiên cứu Na Uy đã khởi động một quỹ trị giá 8,4 triệu EUR để tạo điều kiện cho việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu. Đức có kế hoạch triển khai chương trình tài năng quốc tế “1,000 heads” bằng việc chi một phần trong gói cơ sở hạ tầng và khí hậu trị giá 500 tỷ EUR của mình để thu hút các nhà khoa học Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công khai mời gọi các nhà khoa học toàn cầu đến châu Âu, nhấn mạnh cam kết về tự do học thuật và môi trường nghiên cứu cởi mở.
Trong một cuộc họp hồi tháng trước, ủy viên nghiên cứu EU Ekaterina Zaharieva tái khẳng định mong muốn biến châu Âu thành “nơi an toàn” cho các nhà nghiên cứu và học giả quốc tế trên toàn thế giới.
Hiện Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) đang tăng gấp đôi khoản trợ cấp tái định cư mà họ dành cho các nhà nghiên cứu đến EU. Hiện tại, ERC cung cấp cho các nhà nghiên cứu ở nước thứ ba tới 1 triệu EUR (tương lai tăng lên 2 triệu EUR) để trang trải các chi phí khởi nghiệp đủ điều kiện tại nơi làm việc mới của họ ở châu Âu.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về khoa học và công nghệ đang diễn ra khốc liệt, bên ngoài EU, Canada cũng đã thiết lập chương trình “Canada 150 Research Chairs” với ngân sách 117 triệu CAD để thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu đến làm việc tại các trường đại học Canada.
Australia đã triển khai chương trình cung cấp gói hỗ trợ tài chính cạnh tranh, thị thực nhanh chóng và hỗ trợ định cư, nhằm thu hút các nhà khoa học hàng đầu và cả người Australia đang làm việc ở nước ngoài.