Nên tạo điều kiện cho người dân được chiêm ngưỡng “cụ” Rùa Hồ Gươm

Nên tạo điều kiện cho người dân được chiêm ngưỡng “cụ” Rùa Hồ Gươm
Nên tạo điều kiện cho người dân được chiêm ngưỡng “cụ” Rùa Hồ Gươm ảnh 1

Truyền thuyết trả gươm cho Thần Rùa của vua Lê trên hồ Lục Thủy sau khi quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi quốc gia Đại Việt vào thế kỷ 15 đã in sâu đậm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Cũng từ đấy, hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ Trả Gươm) và người dân vẫn quen gọi với cái tên Hồ Gươm.

Gần 600 năm qua biểu tượng vua Lê trả gươm cho Thần Rùa vẫn thường được trình diễn trong những lễ hội văn hóa lớn của Hà Nội và của dân tộc Việt Nam thể hiện lòng yêu hòa bình của nhân dân ta.

Người đời tin rằng thanh thần kiếm xưa vẫn đâu đó thăm thẳm trong lòng hồ mà “cụ” Rùa huyền thoại vẫn đang ngày đêm trông nom, canh giữ. Thi thoảng “cụ” Rùa lại nổi lên bơi lượn trên mặt hồ như nhắc nhở cháu con nhớ đến trang sử oanh liệt chống ngoại xâm của ông cha xưa. Mỗi lần “cụ” Rùa nổi, người dân Hà Nội và khách thập phương thường tập trung chiêm ngưỡng và được coi là một sự kiện của thủ đô.

Tuy nhiên, nơi đây là khu trung tâm, lưu lượng phương tiện giao thông lớn dễ gây ùn tắc. Vì vậy nên đội trật tự an ninh khu vực hồ Hoàn Kiếm và cảnh sát giao thông thường đến dẹp và giải tán đám đông dừng xe chiêm ngưỡng “cụ” Rùa.

Theo tôi, xem “cụ” Rùa nổi là một nét đẹp văn hóa đặc biệt của thủ đô mà không nơi nào có được nên để nhân dân được chiêm ngưỡng. Đối với nhiều người, trông thấy “cụ” Rùa Hồ Gươm còn được coi là điều may mắn hiếm có. Đây chính là bài học lịch sử sống động về chống giặc ngoại xâm của ông cha xưa. Đối với du khách, được xem “cụ” Rùa nổi là kỷ niệm đặc biệt trong chuyến thăm Hà Nội.

Vì vậy, tôi đề nghị: Mỗi khi “cụ” Rùa nổi, các lực lượng trật tự an ninh và cảnh sát giao thông nên hướng dẫn người dân được tạm thời tập kết phương tiện giao thông ở nơi ổn định và được tập trung bên bờ hồ để chiêm ngưỡng “cụ” Rùa.

PGS Hà Đình Đức
(Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục