Thanh tra Chính phủ kết luận: BIDV có nhiều khiếm khuyết

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết quả thanh tra quý 4-2011. Theo Chánh Văn phòng TTCP Trần Ngọc Liêm, trong quý 4-2011, TTCP đã ban hành 9 kết luận thanh tra, Thủ tướng đã có ý kiến với 6 kết luận thanh tra.
  • Kiến nghị dừng dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, Hà Nội

(SGGP).– Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết quả thanh tra quý 4-2011. Theo Chánh Văn phòng TTCP Trần Ngọc Liêm, trong quý 4-2011, TTCP đã ban hành 9 kết luận thanh tra, Thủ tướng đã có ý kiến với 6 kết luận thanh tra.

Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền 1.271 tỷ đồng, 2.548 ha đất các loại, kiến nghị thu hồi 1.226 tỷ đồng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 169 tỷ đồng, 2.548 ha đất, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét một tổ chức, kiến nghị trách nhiệm các tập thể, cá nhân có vi phạm và sửa đổi bổ sung một số cơ chế, chính sách có liên quan. TTCP đang hoàn thiện 9 kết luận thanh tra, 12 báo cáo kết quả thanh tra, tiến hành 2 cuộc thanh tra, hoàn thiện báo cáo tổng hợp thanh tra chuyên đề về đất đai trên phạm vi cả nước.

TTCP cũng công bố bước đầu về kết quả thanh tra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, ngân hàng này có những vi phạm, khuyết điểm từ các khâu như thẩm định cho vay, giải ngân, thu mua tài chính... Riêng đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, BIDV đã hỗ trợ sai 27 tỷ đồng, đến nay số tiền này cũng đã được ngân hàng thu hồi gần hết.

Qua kết quả thanh tra ngân hàng này, TTCP đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi nhiều vấn đề liên quan. Ví dụ như với Nghị định thu mua tài chính, TTCP cho rằng có nhưng sơ hở về cơ chế chính sách trong lĩnh vực này, nhất là việc thẩm định giá đối với cơ sở thuê mua. Đối với báo cáo tài chính của doanh nghiệp để vay ngân hàng, qua thanh tra cho thấy hiện nay báo cáo này chưa ai kiểm toán. Đó là nguyên nhân khiến ngân hàng không xác định được chính xác “sức khỏe” của doanh nghiệp vay. TTCP kiến nghị báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải có kiểm toán. TTCP cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường giám sát cho vay kinh doanh bất động sản, nhất là những ngân hàng có tổng dư nợ lớn.

Đối với việc thanh tra về trách nhiệm về quản lý dạy nghề của Bộ LĐTB-XH, TTCP chỉ rõ, từ năm 2006 đến 2010, cơ sở dạy nghề của cả nước tăng gấp đôi, chất lượng dạy nghề tuy có được nâng lên nhưng các văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề ban hành rất chậm, hành lang pháp lý dạy nghề còn thiếu khiến các cơ sở dạy nghề vi phạm nhiều. Nhiều văn bản pháp luật về dạy nghề đã lỗi thời nhưng chưa được thay đổi. Công tác kiểm định chất lượng dạy nghề bị bỏ ngỏ. Hoạt động dạy nghề ở địa phương cũng có nhiều sai phạm: mạng lưới cơ sở dạy nghề, các chương trình khung, đội ngũ giáo viên nhiều yếu kém khiến chất lượng dạy nghề không được bảo đảm. Việc phân bổ và quyết toán vốn của đề án tăng cường năng lực dạy nghề và đề án dạy nghề cho lao động nông thôn có nhiều sai phạm, một số vốn bị chuyển làm việc khác sai mục đích, hỗ trợ sai đối tượng, đầu tư dàn trải kém hiệu quả gây lãng phí. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhiều nơi không đúng đối tượng, mua sắm thiết bị không đúng thực tế..

Đối với dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hà Nội), TTCP đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng dừng dự án khu đô thị này để làm rõ các vấn đề.

Thành Vinh

Tin cùng chuyên mục