Tinh gọn bộ máy khu vực nhà nước - Khó như đụng phải “đá ngầm”

Bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhân sự đông nhưng thiếu chuyên nghiệp hóa nên hoạt động kém hiệu quả, năng suất lao động thấp. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo lại ngại đụng chạm, không dám xốc lại bộ máy và tinh giản lao động thừa, năng lực yếu kém…

  • Ngại đụng chạm

Sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động từ trường trung cấp lên cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Lao động - Xã hội (LĐ-XH - cơ sở 2 tại TPHCM) tiến hành đổi mới, kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, thực hiện mục tiêu phát triển nhà trường vững mạnh hơn. Để mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo, ngoài tuyển thêm nhiều giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi học nâng cao trình độ, nhà trường cũng tiến hành bố trí lại nhân sự theo đúng vị trí, yêu cầu công việc.

Sau khi rà soát lại từng vị trí quản lý, chuyên môn nghiệp vụ ở các bộ phận, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà trường quyết định điều chuyển một số cán bộ, giảng viên không đáp ứng yêu cầu hoặc không thích hợp ở vị trí hiện tại sang vị trí công việc mới phù hợp với năng lực trình độ chuyên môn hơn. Thế nhưng, dù làm đúng quy trình, quy định của Đảng và nhà nước, tuân thủ pháp luật, có trao đổi kỹ lưỡng với chủ thể trước khi điều chuyển, nhà trường vẫn vấp phải phản ứng, thậm chí khiếu nại gởi các cơ quan truyền thông.

Đề cập vấn đề này, ông Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trường Đại học LĐ-XH cơ sở 2, trầm tư: “Cơ cấu lại bộ máy, điều chuyển và sắp xếp lại nhân sự là yêu cầu cấp bách để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, thế nhưng vừa mới “xốc” lại đội hình theo hướng tinh gọn, hợp lý, chúng tôi đã phải đối mặt với khiếu nại”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì chia việc cho nhiều người, cần khuyến khích một người làm việc bằng hai hoặc bằng ba và có chế độ tiền lương kèm đãi ngộ, khen thưởng phù hợp với năng lực của họ. Nếu không có giải pháp mạnh hơn để tinh giản bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ CBCC dựa trên năng lực thì dù có điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu cao đến đâu chúng ta cũng khó thực hiện được mục tiêu cải cách tiền lương theo sát mặt bằng thị trường sức lao động.

Tương tự, giám đốc một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu tâm sự: “Để làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận chúng tôi buộc phải đấu tranh với sự trì trệ, thói quen làm cho có của một số người. Để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, đơn vị không thể không sàng lọc lại nhân sự, cắt giảm lao động dư thừa, thiếu năng lực hoặc điều chuyển, sắp xếp lại một số vị trí chưa phù hợp. Dù cân nhắc, làm theo đúng quy định của pháp luật nhưng nhiều người bị cho thôi việc, điều chuyển công việc không đồng tình, phản ứng dữ dội, thậm chí khiếu nại kéo dài…”.

Sau nhiều sóng gió, va chạm và tốn công sức, thời gian để giải quyết các khiếu nại, vị giám đốc này kết luận: “Nếu người đứng đầu đơn vị thiếu kiên quyết, ngại đụng chạm vào “khối u” nhân sự thì rất khó thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy, tuyển dụng người thực tài, giỏi nghề theo yêu cầu phát triển”.

Các chuyên gia về lao động, tiền lương cũng kết luận: tuy ôm bộ máy cồng kềnh, nhân sự đông, hiệu suất lao động thấp nhưng nhiều cơ quan, đơn vị không dám mổ xẻ căn bệnh lưu cữu vì ngại đụng chạm, ngại ảnh hưởng đến thành tích, ngại bị khiếu nại, ngại bị cấp trên đánh giá là nội bộ có vấn đề - không đoàn kết… Sợ “va vào đá ngầm”, không ít lãnh đạo các đơn vị không muốn tái cơ cấu bộ máy, sắp xếp lại nhân sự nên chất lượng cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ làm tốt công việc thấp.

Vì không sợ bị cho thôi việc, nghỉ việc nên một bộ phận CBCCVC cứ tà tà, không chịu tự đổi mới bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho phù hợp với mục tiêu phát triển của đơn vị. Sức ì trì trệ làm ít hoặc không làm việc nhưng vẫn hưởng lương còn nảy sinh hệ lụy làm thui chột động lực nhiệt tình làm việc, vươn lên sáng tạo của những người khác. Khi dòng chảy của lao động - nhân sự không được khai thông - có vào thì có ra như quy luật tự nhiên của thị trường sức lao động thì bài toán tinh gọn bộ máy ở các cơ quan nhà nước vẫn bế tắc.

  • Nghịch lý: Giảm ít tăng nhiều

Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu bức xúc lên tiếng “dù đã có chủ trương tinh giản biên chế nhưng chi cho bộ máy nhà nước không hề giảm. Trên thực tế, nhiều bộ ngành, cơ quan đơn vị vẫn tìm cách phình to bộ máy, tạo thêm áp lực cho ngân sách nhà nước. Kết quả thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết 132/CP của Chính phủ còn thấp. Theo Bộ Nội vụ, sau hơn 4 năm triển khai (2007 - 2011), cả nước chỉ giảm được hơn 54.000 người, trong khi đó biên chế tăng thêm 25%.

Cụ thể, năm 2000 tổng số biên chế công chức hành chính của cả nước mới có hơn 200.000 người nhưng đến cuối năm 2011 đã tăng lên 260.000 người. Điều đáng báo động là trong 9 mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, mục tiêu nâng cao chất lượng CBCC có kết quả kém nhất. Yêu cầu đặt ra đến năm 2010, đội ngũ CBCC có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất tốt, đủ năng lực thực thi công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước… không đạt được.

Trong cái vòng luẩn quẩn khó cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, nhiều địa phương, cơ quan đơn vị nhà nước đã không thu hút được CBCC có trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật cao và thực tài để đảm trách các vị trí quan trọng. Thực tế này đang dẫn đến sức ì trong bộ máy nhà nước, hiệu suất lao động thấp và việc phân phối công việc bất bình đẳng, thiếu khoa học. Có bộ phận chịu áp lực công việc cao, làm không hết việc trong khi nhiều người do trình độ chuyên môn hạn chế thì được giao ít việc hoặc ngồi chơi nhưng vẫn hưởng đủ lương.

Vì bệnh thành tích, rất ít địa phương, cơ quan đơn vị dám đánh giá đúng và công khai về chất lượng cũng như khiếm khuyết của đội ngũ CBCCVC để có phương án tinh giản cho phù hợp. Việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp công khai tuyên bố tỉnh mình chỉ có khoảng 30% CBCC làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng và đặc biệt có đến 30% chỉ có mặt để lãnh lương là thẳng thắn. Thế nhưng, nếu đặt vấn đề phải cho ai trong số 30% đặc biệt này thôi việc, nghỉ việc hoặc điều chuyển sang vị trí khác là không đơn giản. Ở hầu hết các cơ quan đơn vị công lập, “vào dễ khó ra” trở thành thách thức không nhỏ đối với người đứng đầu bộ máy.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục