Chính phủ yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các băng nhóm “xã hội đen”

(SGGPO).- Vừa qua báo chí đã phản ánh về các đối tượng, băng nhóm “xã hội đen” hoạt động bảo kê, lộng hành ở tỉnh Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên; Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm “xã hội đen” hoạt động bảo kê.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự mà các cơ quan báo chí phản ánh thời gian gần đây, như: băng nhóm “xã hội đen” ở tỉnh Hưng Yên do Phạm Khắc Tú cầm đầu; 3 đối tượng giang hồ ở Hải Phòng sau khi gây án đã giả bị bệnh tâm thần để tiếp tục điều hành băng nhóm tội phạm; “xã hội đen” bảo kê taxi hoạt động trái phép ở thành phố Hồ Chí Minh…; đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay cho tội phạm.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tổ chức rà soát các loại đối tượng, các tuyến, địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự và cuộc sống bình yên cho nhân dân.   

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên; Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc quyền quản lý trong việc để các đối tượng, băng nhóm “xã hội đen” hoạt động bảo kê, lộng hành, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự tại địa phương, sớm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước tiếp tục mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm; kiên quyết, kiên trì tấn công, truy quét, không để hình thành các điểm nóng về tội phạm, làm giảm các loại tội phạm đang nổi lên. Địa phương nào để tội phạm lộng hành thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trước hết là thủ trưởng cơ quan công an, phải chịu trách nhiệm. Nghiên cứu vận dụng rộng rãi mô hình tổ công tác liên ngành 141 của Công an thành phố Hà Nội và tổ công tác liên ngành 622 của Công an thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát trật tự; có cơ chế đưa ra kiểm điểm trước dân đối với một số loại tội phạm nhằm tăng cường giáo dục phòng ngừa chung.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục