Con sâu làm rầu… vùng trà

Bảo Lộc - Lâm Đồng được mệnh danh “thủ phủ trà” của Việt Nam với dòng trà ướp hương nổi tiếng mang thương hiệu “Trà B’Lao”. Vậy nhưng mấy ngày qua, thương hiệu này bị giáng đòn mạnh “chí tử” khi một số cơ sở sản xuất “trà bẩn” bị phanh phui.
Con sâu làm rầu… vùng trà

Bảo Lộc - Lâm Đồng được mệnh danh “thủ phủ trà” của Việt Nam với dòng trà ướp hương nổi tiếng mang thương hiệu “Trà B’Lao”. Vậy nhưng mấy ngày qua, thương hiệu này bị giáng đòn mạnh “chí tử” khi một số cơ sở sản xuất “trà bẩn” bị phanh phui.

Cụ Đỗ Thị Ngọc Sâm (90 tuổi, chủ thương hiệu trà Đỗ Hữu và là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho thương hiệu trà B’Lao) đón nhận thông tin “trà bẩn” như tin sét đánh. Cụ nói rằng, người Bảo Lộc mà làm vậy thì quá đáng và đánh mất danh tiếng trà B’Lao, ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính.

Theo cụ Sâm, để có thương hiệu “Trà B’Lao” như hôm nay, những người làm trà xứ B’Lao (tên gọi cũ của Bảo Lộc) đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt trong cả gần thế kỷ.

Trà B’Lao nổi tiếng vì có vùng nguyên liệu chất lượng cao.

Trà B’Lao nổi tiếng vì có vùng nguyên liệu chất lượng cao.

Ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, khẳng định rằng, đó chỉ là vài trường hợp làm ăn nhỏ lẻ, không có thương hiệu gì và không đại diện cho thực trạng sản xuất, kinh doanh trà (chè) của Lâm Đồng. Thực tế hiện nay, ngành trà Lâm Đồng đang đà phát triển với hàng trăm công ty và cơ sở sản xuất, kinh doanh trà làm ăn chân chính, mỗi năm sản xuất 40.000 tấn trà thành phẩm, trong đó 50% xuất khẩu.

Ông Phương lập luận, đối với dòng sản phẩm trà xuất khẩu phải qua nhiều khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt nên loại “trà bẩn” không thể trà trộn vào. Còn đối với dòng sản phẩm trà ướp hương, uy tín và thương hiệu là sự sống còn của doanh nghiệp, nên họ không bán rẻ bởi những lô “trà bẩn”. Vì vậy, loại sản phẩm đó chỉ tồn tại ở dòng trà cấp thấp dạng trà đá, chứ không thể trà trộn vào dòng sản phẩm cao cấp được.

Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, “con sâu làm rầu nồi canh”, những cơ sở làm ăn gian dối dù chỉ cá biệt, nhỏ lẻ cũng đang ảnh hưởng đến tình hình chung. Vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần phải diệt những “con sâu” này. Hiệp hội sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp trà (trong đó có những cơ sở sản xuất loại “trà bẩn”) để tẩy chay, lên án những cơ sở làm “trà bẩn”, đồng thời ký cam kết sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng vì lợi ích chung toàn ngành và vì sức khỏe người tiêu dùng. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần vào cuộc giám sát lẫn nhau để kịp thời phát hiện những việc làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành trà. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường cũng cần có sự phối hợp để xử lý tận gốc, ngăn chặn việc vận chuyển bã trà từ Bình Dương, TPHCM về “đội lốt” trà Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, ông Bùi Thắng, cũng cho rằng, những người làm loại “trà bẩn” chỉ là cá biệt. Dù vậy, địa phương cũng đã lập tức tổ chức các đoàn đến kiểm tra để có cơ sở xử lý, nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu trà B’Lao.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục