Tiêu cực vẫn “đeo bám” ngành giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Đinh La Thăng đã báo cáo, giải trình trước Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trong phiên họp do ủy ban này tổ chức ngày 30-8 tại Hà Nội.
Tiêu cực vẫn “đeo bám” ngành giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Đinh La Thăng đã báo cáo, giải trình trước Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trong phiên họp do ủy ban này tổ chức ngày 30-8 tại Hà Nội.

        Tiêu cực ngay từ... phòng máy lạnh

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, thời gian qua Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức triển khai thực hiện nên công tác quản lý nhà nước về vận tải bằng ô tô đã đạt được những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải bằng ô tô.

Trả lời trực tiếp chất vấn của các ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai), Trần Đình Thu (Gia Lai), Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận: “Đúng là tình hình kinh doanh vận tải hiện nay tồn tại nhiều khiếm khuyết. Nhiều quy định còn có thể bị lợi dụng trong quá trình thực hiện. Việc kiểm tra, giám sát, cấp giấy phép chủ yếu chỉ dựa trên hồ sơ doanh nghiệp mang đến. Khâu kiểm tra, kiểm soát hậu kiểm còn buông lỏng dẫn đến doanh nghiệp không hoạt động đúng giấy phép đã cấp”. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đăng kiểm viên. Từ đầu năm tới tháng 7-2013, Bộ GTVT đã phát hiện sai phạm và đình chỉ chức danh, thu hồi thẻ đăng kiểm viên đối với 15 trường hợp. Trong đó, có 2 lãnh đạo trung tâm và 4 trưởng dây chuyền kiểm định.

Cảnh sát giao thông lập biên bản một trường hợp chạy xe vượt đèn đỏ. Ảnh: CAO THĂNG

Cảnh sát giao thông lập biên bản một trường hợp chạy xe vượt đèn đỏ. Ảnh: CAO THĂNG

Tiếp tục “xoáy” vào vấn đề vì sao tiêu cực vẫn “đeo bám” ngành giao thông, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga hỏi: “Vì sao nhiều xe chở quá tải, quá khổ chạy từ Nam ra Bắc, trên đường dày đặc các lực lượng kiểm tra mà vẫn lọt?”. Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: “Một nguyên nhân quan trọng xuất phát ngay từ phòng máy lạnh, tức là khâu cấp phép. Để bớt tiêu cực khi xử lý trên đường chỉ có cách là xây dựng hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, dễ hiểu. Người thực thi pháp luật phải nghiêm minh, không dung túng, bao che, đỡ đầu, bảo kê... Ai vi phạm đều xử lý công bằng như nhau và sẽ chú trọng truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp, của chủ sở hữu phương tiện chứ không chỉ người lái xe”.

        Khắc phục tình trạng tiêu cực của CSGT

ĐB Lê Thị Nga đặt vấn đề: Đánh giá tai nạn giao thông là do ý thức của lái xe, của người tham gia giao thông là đúng nhưng chưa đủ. Bà Nga dẫn chứng: “Năm 2013 Tổ chức Minh bạch thế giới công bố kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân về tham nhũng thì trong đó lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) vẫn là một trong những bộ phận được đánh giá là tốp hàng đầu về tham nhũng. Chúng tôi thấy rất lạ là một số phát ngôn như của đồng chí lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt rằng: Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà nói là tham nhũng thì không thỏa đáng”. Giải pháp cụ thể nào để khắc phục tình trạng tiêu cực của CSGT trên các trục đường - đó là câu hỏi nữ đại biểu dành cho đại diện Bộ Công an cùng tham dự phiên giải trình.

Về vấn đề này, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã rà soát các quy định về nội dung, quy trình tuần tra kiểm soát; đặc biệt đã quy định tiêu chuẩn đối với CSGT. Đồng thời, bộ cũng đã giao trách nhiệm cho cơ quan thanh tra, kiểm tra đặc biệt (hóa trang, sử dụng các phương tiện kiểm tra, điều tra đặc biệt) để phát hiện sai phạm, từ đó để có hướng xử lý, điều chỉnh; lập đường dây nóng để khi dư luận, nhất là dư luận báo chí, phản ánh thì chỉ đạo giải quyết ngay…

Ghi nhận những đóng góp của lực lượng CSGT, song ĐB Lê Thị Nga tiếp tục: “Tôi đề nghị chính lãnh đạo trực tiếp là Cục CSGT đường bộ, đường sắt phải hết sức nghiêm túc. Nghiêm túc ở đây là các đồng chí đừng có phát ngôn theo hướng nói rằng nhận dăm ba chục, một vài trăm không phải là tham nhũng. Nhận dăm ba chục, một vài trăm nhưng liên tục hàng ngày thì có phải là tham nhũng không? (…). Chúng tôi muốn biết chuyển biến qua từng thời gian cụ thể, chứ không thể để 5 năm, 10 năm, 15 năm mà vẫn như vậy được”.

        Sát hạch lại toàn bộ sát hạch viên

“Chỉ mặt đặt tên” các trung tâm đào tạo lái xe kém chất lượng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tai nạn giao thông, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Người dân vẫn nói với nhau là “cứ học, cứ thi tức khắc có bằng”. Đáng buồn là bằng thật nhưng mà tay lái giả”. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phản ánh: “Bằng cấp bừa như thế nên tai nạn xe khách ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng. Tâm lý người dân bất an, nhiều gia đình không dám đi chung một xe”.

Nêu giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Bộ GTVT đã có kế hoạch bắt đầu từ tháng 9 đến cuối năm 2013 sát hạch lại toàn bộ đội ngũ sát hạch viên và công khai những trung tâm đào tạo có nhiều lái xe gây tai nạn để người dân biết, tránh vào học ở những địa chỉ “đen” đó”.

Không bỏ lọt tội phạm khi giải quyết tai nạn

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Việt Trường (An Giang) về việc có hay không tình trạng hành chính hóa khi giải quyết các vụ tai nạn giao thông, Trung tướng Đỗ Đình Nghị cho biết, không thể có chuyện bỏ qua các vụ tai nạn nghiêm trọng. Trung tướng Đỗ Đình Nghị khẳng định, công an các địa phương hết sức coi trọng xử lý các vụ tai nạn giao thông. Với các vụ tai nạn chết người, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ vào cuộc thụ lý chứ không phải CSGT. Ngoài ra, còn mời viện kiểm sát cùng cấp tới giám sát điều tra để đảm bảo khách quan, không bỏ lọt tội phạm. Trong khoảng 18 tháng trở lại đây, các lực lượng đã xử lý khoảng 10 triệu trường hợp vi phạm, phạt hành chính 3.743 tỷ đồng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục