Phải bảo đảm mức sống tối thiểu

Sau 2 lần tổ chức thương thảo, thống nhất với kỳ vọng tìm được một tiếng nói chung làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về mức tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động trong năm 2016 do Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức nhưng cuối cùng lại vẫn thất bại.

Kết thúc cuộc họp lần thứ hai tổ chức hôm 25-8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị vẫn giữ mức tăng như đề xuất trong cuộc họp đầu tiên là 16,8% thì Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) lại không chấp nhận và vẫn đề nghị chỉ giữ ở mức tăng 10%. Cuối cùng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định hoãn phiên họp để tổ chức thêm một phiên họp khác (lần thứ ba) vào ngày 3-9 tới, nhằm đưa ra được mức tăng lương hợp lý.

Việc tăng lương tối thiểu vùng là tất yếu và sẽ phải có kết quả cuối cùng, điều này cũng đã được quy định trong luật về lộ trình tăng lương tối thiểu để đảm bảo nâng mức lương tối thiểu vùng mà doanh nghiệp cần chi trả cho người lao động để đảm bảo bằng với mức sống cũng như nhu cầu sống tối thiểu ở mỗi vùng miền. Tuy nhiên, sự “giằng co” giữa các bên sau hai lần cùng thương lượng và thỏa hiệp đều thất bại là điều nằm ngoài dự đoán và mong đợi của nhiều người, đặc biệt là người công nhân lao động. Đành rằng, mỗi bên đều có những mục tiêu, tiếng nói và lý do riêng cho việc trì hoãn khi cùng tìm phương án chung để chốt mức tiền lương tối thiểu. VCCI cần lo cho lợi ích các doanh nghiệp mà họ làm đại diện, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần phải kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hàng triệu người lao động. VCCI cho rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn do kinh tế còn suy giảm, khả năng phục hồi chậm, chi phí đầu vào tăng cao, việc tăng tiền lương tối thiểu ở mức vượt 10% sẽ  “đội” thêm các chi phí về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và ngân quỹ lương, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khó thu hút đầu tư nước ngoài... Nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, việc tăng tiền lương lên mức 16,8% không chỉ là theo lộ trình như Bộ LĐTB-XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cam kết đến năm 2017 sẽ đảm bảo cho mức lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu mà còn vì quyền lợi của người lao động.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công đoàn và công nhân, nhiều công nhân hiện nay chỉ có mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng và đây không phải là những trường hợp ở các vùng sâu, vùng xa mà ngay Hà Nội và TPHCM. Họ đang phải sống rất chật vật, trong đó 70% tiền lương được trả phải chắt chiu để chi phí nuôi con, trợ cấp cho gia đình, còn lại tiếp tục chắt bóp chi cho sinh hoạt, thuê nhà trọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hàng chục khoản không tên khác...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để có được mức tăng lương tối thiểu thống nhất, cần phải làm việc với ngành thống kê, bảo hiểm xã hội và thuế... để biết rõ các doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động bao nhiêu, khả năng cân đối, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ra sao... Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp đang trả lương cho người lao động ở mức cao để kích thích sản xuất và giữ chân người lao động. Điều chỉnh mức lương nếu không phù hợp và theo sát nhu cầu sống tối thiểu sẽ không thể giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp mà những mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất sẽ nảy sinh, tình hình sản xuất kinh doanh cũng sẽ bị gián đoạn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

VĂN PHÚC 

Tin cùng chuyên mục