“Xanh hóa” đào tạo nghề

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM bắt đầu thực hiện xanh hóa đào tạo nghề với mục đích “bội thu” nguồn nhân lực xanh, phục vụ phát triển nền kinh tế xanh. 

Nhân lực xanh có kỹ năng xanh

Thiếu tác phong công nghiệp, thiếu kỹ năng làm việc an toàn, thân thiện đang là 2 trong những điểm yếu của người lao động hiện nay. Nhiều khi người lao động làm ra sản phẩm xong, nhưng xung quanh chỗ làm việc lại bừa bộn, luộm thuộm, mất an toàn, nguyên liệu thì bị xài hao phí…

Để khắc phục điều này, tạo ra đội ngũ người lao động có tác phong chuyên nghiệp, Sở LĐTB-XH TPHCM bắt đầu triển khai việc xanh hóa đào tạo nghề ở các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TPHCM.

Tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, việc xanh hóa được thực hiện đồng bộ. Khuôn viên trường học được tăng thêm mảng xanh. Tất cả nội dung giảng dạy đều được lồng ghép các kỹ năng xanh.

“Từ việc quấn mô tơ, động cơ, thay các bo mạch…, sinh viên và học sinh đều sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và cách làm việc an toàn, sạch sẽ. Đơn giản như giẻ lau bảng cũng được thay thế bằng loại giẻ có thể phân hủy. Máy điều hòa không khí chỉ được mở sau một giờ khi bắt đầu làm việc và tắt trước một giờ khi kết thúc làm việc. Các thiết bị dạy và học có các vật liệu không thân thiện với môi trường đều được loại trừ”, TS Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, cho hay về cách xanh hóa đào tạo nghề. 

“Xanh hóa” đào tạo nghề ảnh 1 Một cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TPHCM đưa nội dung xanh hóa vào giáo trình đào tạo.     Ảnh: ĐƯỜNG LOAN
TS Nguyễn Thị Hằng cũng cho biết, trong việc sử dụng năng lượng, trường sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Rác thải phân loại ngay tại nguồn. Trường còn có nơi lưu trữ nước mưa để sử dụng và có trạm xử lý nước thải. Nội dung giáo dục về môi trường được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa.

Đặc biệt, trường có chương trình đào tạo nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải”, một nghề phục vụ trực tiếp cho tăng trưởng xanh, theo mô hình hợp tác giữa nhà trường và 6 doanh nghiệp thoát nước trên địa bàn TP. Từ giáo viên đến sinh viên, học sinh đều được đào tạo cơ bản và nâng cao về các kỹ năng xanh, xây dựng văn phòng xanh…

TS Nguyễn Thị Hằng tin tưởng, với quy trình đào tạo xanh hóa như vậy, sản phẩm đầu ra sẽ là những người lao động xanh, có kỹ năng xanh, có kỷ luật lao động an toàn, biết phân biệt và sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường trong suốt quá trình làm việc và có tác phong công nghiệp. 

Với mong muốn cung cấp lực lượng lao động xanh cho nền kinh tế, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ đã lồng ghép trong mỗi chương trình đào tạo ít nhất 30 giờ học tập, thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn lao động - vệ sinh môi trường làm việc, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Trong khi đó, tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, Th.S Lương Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng, cho hay nhà trường đang hướng đến tiết kiệm và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm rác thải, phân loại rác tại nguồn.

Cách làm của nhà trường là giảm sử dụng ánh sáng nhân tạo, tăng sử dụng ánh sáng tự nhiên nhằm tăng hiệu quả tiếp thu và mức độ tập trung của học viên.

Các nguyên liệu, trang thiết bị gây khí thải nhà kính cũng được giảm xuống tối đa. Trường sử dụng phấn không bụi, đồ nội thất, hóa chất tẩy rửa thân thiện môi trường. Tháng 7, tháng 8 hàng năm, đoàn viên thanh niên cải tạo mảng xanh trong trường.

Theo bà Lương Thanh Thảo, trang thiết bị và môi trường học tạo ra không gian lành mạnh có lợi cho việc dạy và học trong khi vẫn đảm bảo tiết kiệm năng lượng, nước và các nguồn lực khác. 

Làm đồng bộ

Hiện nay, TPHCM có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với số lượng tuyển sinh gần 463.000 người. Xác định xanh hóa cơ sở giáo dục nghề nghiệp là việc rất mới, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần cụ thể hóa các nội dung xanh hóa vào trong môi trường dạy và học, từng bước thay đổi nhận thức của giáo viên và sinh viên, học sinh.

Theo ông Lâm, việc triển khai xanh hóa đào tạo nghề giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận các mô hình xanh  trong đào tạo nghề, phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Để có nền kinh tế xanh, bắt buộc chúng ta phải có nguồn nhân lực chất lượng xanh tương ứng. 

Để việc triển khai xanh hóa sớm đi vào thực tế, ông Lâm cho rằng cần lồng ghép các yêu cầu về đào tạo các kỹ năng xanh thông qua việc xây dựng chuẩn đầu ra để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa vào nội dung đào tạo.

Đồng thời, cần xây dựng một số nội dung học tập (mô đun, môn học) về các kỹ năng xanh (tự chọn hoặc bắt buộc từng ngành, nghề đào tạo) để các trường lựa chọn đưa vào nội dung đào tạo của trường; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trong lĩnh vực môi trường, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo… đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế xanh. 

TS Nguyễn Thị Hằng kiến nghị Bộ LĐTB-XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần chủ trì xây dựng chiến lược phát triển kỹ năng xanh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch hành động của quốc gia về xanh hóa đào tạo nghề. Cùng với đó, hình thành khung kỹ năng xanh chuẩn quốc gia; bồi dưỡng những yêu cầu về kỹ năng xanh cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin cùng chuyên mục