Xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài - Tư nhân chủ động

Phim Việt Nam đã từng được bán cho nước ngoài từ những năm cuối thế kỷ 20, nhưng đó chỉ là phim truyền hình do hãng phim TFS - Đài Truyền hình TPHCM sản xuất. Những năm gần đây, một vài phim điện ảnh của ta mới bắt đầu tìm đường ra thị trường nước ngoài. Dù vẫn chỉ ở bước đầu tiên, nhưng nhìn lại những bộ phim đã bán cho nước ngoài, người yêu điện ảnh nước nhà có quyền hy vọng…
Xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài - Tư nhân chủ động

Phim Việt Nam đã từng được bán cho nước ngoài từ những năm cuối thế kỷ 20, nhưng đó chỉ là phim truyền hình do hãng phim TFS - Đài Truyền hình TPHCM sản xuất. Những năm gần đây, một vài phim điện ảnh của ta mới bắt đầu tìm đường ra thị trường nước ngoài. Dù vẫn chỉ ở bước đầu tiên, nhưng nhìn lại những bộ phim đã bán cho nước ngoài, người yêu điện ảnh nước nhà có quyền hy vọng…

Có đi mới thành đường

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một vài phim do hãng phim TFS sản xuất đã bán được cho nước ngoài. Hồi ấy, Ban Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM đã nung nấu ý định và tìm cách đưa phim truyện truyền hình Việt Nam vượt khỏi biên giới. Bộ phim Người đẹp Tây Đô là phim truyện truyền hình đầu tiên bán cho Đài Truyền hình Thái Lan. Sau đó, không chỉ phim dài tập, mà cả những phim ngắn cũng được truyền hình Thái Lan mua về phát sóng.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc TFS, cho biết: “Hiện nay, tất cả phim của TFS sau khi phát sóng trên HTV đều bán hết cho nước ngoài. Không chỉ phim truyện dài tập, ngắn tập mà chúng tôi còn bán được cả phim tài liệu, ký sự, phóng sự, nhân vật… Hồi đó, chúng tôi bán phim ra nước ngoài với suy nghĩ để tận thu, sau này, những sản phẩm của TFS đã trở thành thị trường mua bán thật sự. 3 năm gần đây, chúng tôi có một đại lý bên Mỹ chuyên bán bản quyền các phim và chương trình của TFS để phát hành DVD phục vụ cộng đồng người Việt tại đây”.

Các poster phim Việt Nam đều được trình bày lại cho phù hợp để gây chú ý cho khán giả nơi bộ phim được phát hành ở nước ngoài.

Các poster phim Việt Nam đều được trình bày lại cho phù hợp để gây chú ý cho khán giả nơi bộ phim được phát hành ở nước ngoài.

Danh sách phim của TFS bán ra thị trường nước ngoài cũng hết sức phong phú: Ngọn nến Hoàng Cung và Mêkông ký sự được bán và phát sóng trên kênh truyền hình KXLA 44 (Mỹ); một số phim phát sóng trên kênh truyền hình VBS (Mỹ); một số phim tài liệu phát sóng trên đài truyền hình công cộng Thái Lan Public Broadcasting Service (TV Thai PBS); hầu hết các phim dài tập. Cả những phim có hình ảnh về công an, người thi hành pháp luật như: Nhiệm vụ đặc biệt, Câu chuyện pháp đình - là những hình ảnh được cho là nhạy cảm, nhưng vẫn được mua bản quyền để phát hành băng đĩa trên thị trường Mỹ.

Dù đã có kinh nghiệm mua bán phim với nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Việt Hùng vẫn cho rằng: “So với mặt bằng phim ảnh chung của châu Á và Đông Nam Á, phim của chúng ta không dở, nhưng chúng ta không bán được nhiều vì chưa có một thị trường mua bán thật sự. Mọi giao dịch mua bán hiện nay chủ yếu vẫn do tự thân vận động và do các mối quan hệ cá nhân”. Còn nhớ trước đây, Lãnh sự quán Hàn Quốc gửi tặng Đài Truyền hình TPHCM bộ phim Hoa cúc vàng. Sau khi bộ phim được phát trên HTV đã hình thành “cơn sốt” phim Hàn, để rồi nhà đài và các đơn vị kinh doanh quảng cáo phải tự động tìm mua phim Hàn để phát sóng. Từ đó cho thấy, muốn phim VN ra nước ngoài, giới thiệu cho thế giới biết đến phim ảnh VN, còn cần đến chiến lược quảng bá, giao lưu… từ phía nhà nước.

Phim điện ảnh được chú ý

Từ khi xã hội hóa điện ảnh, những nhà làm phim tư nhân đã khiến cho thị trường phim VN hoạt động nhộn nhịp hẳn. Với sự nhạy bén, năng động, các nhà làm phim tư nhân đã biết cách tiếp thị, đưa phim VN đến được với nhiều khán giả trên thế giới. Bên cạnh đó, khi hàng loạt phim điện ảnh VN đoạt giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế lớn, phim VN bắt đầu được thế giới biết đến, chú ý và được mua bản quyền để phát hành tại một số nước. BHD là đơn vị đi tiên phong trong việc tiếp thị, giới thiệu phim VN ra nước ngoài. Vốn là đơn vị chuyên mua bán phim và có mặt tại hầu hết tại các hội chợ phim trên thế giới, BHD đang là đại diện của rất nhiều hãng phim tại VN trong các giao dịch, mua bán bản quyền phát hành với nước ngoài (hãng phim truyện Việt Nam, hãng phim truyện 1, hãng phim Giải Phóng, Phước Sang Film, HK Film…). Thời gian qua, những phim đoạt giải tại các LHP quốc tế, đều đã được BHD giới thiệu bán cho thị trường nước ngoài, như: Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Chơi vơi, Cánh đồng bất tận, Bi ơi đừng sợ…

Cảnh trong phim Lều Chõng - những phim có đề tài xưa được khán giả nước ngoài ưa chuộng.

Cảnh trong phim Lều Chõng - những phim có đề tài xưa được khán giả nước ngoài ưa chuộng.

Cô Nguyễn Thị Bảo Mai, Trưởng phòng khai thác bản quyền nước ngoài của BHD, cho biết: “Các phim thương mại được đầu tư tốt về chất lượng và nội dung được nhiều nhà phát hành quan tâm. Tuy nhiên thị trường của các phim thương mại thường chỉ là các nước trong khu vực và cộng đồng người Việt tại hải ngoại; trong khi những phim nghệ thuật có giải thưởng tại các LHP lớn, sẽ thu hút được các nhà phân phối cũng như khán giả quốc tế ở phạm vi rộng hơn, như thị trường châu Âu, Mỹ… Phim VN cũng đã được các nhà phát hành lớn quan tâm và có mặt tại nhiều nước, được phát hành và giới thiệu dưới nhiều hình thức như: kinh doanh phòng vé, giao lưu văn hóa, giới thiệu tại khuôn khổ các trường đại học, viện bảo tàng và thu được kết quả khá tốt về cả doanh thu cũng như phản hồi của khán giả quốc tế đối với phim VN.

Minh chứng là sau khi một số phim: Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận, Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Chơi vơi, Bi ơi đừng sợ… để lại ấn tượng tốt khi được phát hành tại thị trường Mỹ, một số nước ở châu Âu và châu Á thì ngày càng có nhiều nhà phát hành muốn được cập nhật và đặt trước cho cả các dự án phim VN còn đang trong giai đoạn chuẩn bị sản xuất”.

Ngoài BHD, một số cá nhân làm phim cũng tự tìm khách hàng. Diễn viên Johnny Trí Nguyễn cho biết, hai bộ phim do hãng phim Chánh Phương của anh đầu tư làm là Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng đã bán và phát hành trên 30 nước.

Riêng phim Để mai tính hiện đang phát hành tại cộng đồng người Việt ở Mỹ. Một con đường khác là phát hành quảng bá phim VN phi lợi nhuận tại các trường đại học ở Mỹ, có tổ chức giao lưu văn hóa Việt - Mỹ AVCE. Dưới nhiều hình thức, phim VN đang ngày càng được thế giới biết đến; một vài dự án làm phim được nước ngoài đặt hàng ngay từ khâu kịch bản. Chúng ta có quyền hy vọng, việc xuất bản phim VN ra nước ngoài sẽ được chuyên nghiệp hóa và mang lại hiệu quả thiết thực trong tương lai không xa.

Vai trò của cấp có thẩm quyền

Việc quảng bá, phát hành phim VN ra nước ngoài hiện nay, vẫn đang trên đường tìm kiếm cơ hội và tự thân cá nhân và các hãng phim vận động là chính. Việc phát hành phim ra nước ngoài còn rất nhiêu khê. Đạo diễn, hãng phim nào cũng muốn phim mình đến được với đông đảo khán giả cả trong lẫn ngoài nước. Chi phí thực hiện các khâu để một bộ phim có thể tiếp thị với thị trường thế giới là không nhỏ. Kinh phí dành cho các công đoạn: chuyển ngữ, trình bày, in ấn poster, catalog cho phù hợp với thị trường nơi bộ phim sẽ phát hành, quảng cáo trên báo, tờ rơi… rất tốn kém.

Trong khi đó, việc xuất khẩu phim VN thường do tư nhân chủ động nên chuyện ép giá, độc quyền là điều khó tránh khỏi. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà nước, từ cơ quan có thẩm quyền (như Cục Điện ảnh và cả các đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại), việc phát hành phim VN ra nước ngoài trở thành một chiến lược, một định hướng rõ ràng, trong tương lai không xa, công nghệ điện ảnh VN hy vọng có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục