Chiều 20-8, LĐLĐ TPHCM và Báo SGGP đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm giải thưởng Tôn Đức Thắng (2000-2011). Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn giải thưởng tiếp tục được duy trì và phát triển, là động lực khơi nguồn sáng tạo cho công nhân lao động (CNLĐ) TP.
Không ngừng sáng tạo
Năm 2006, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Công ty TNHH MTV Đầu tư – Xuất khẩu Chợ Lớn, vinh dự được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng. Ngay sau đó, với những thành tích đóng góp cho công ty, chị được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách kỹ thuật. Với một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, công tác quản lý chất lượng, vấn đề kỹ thuật chế biến, giám sát các quy trình sao cho đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Không phụ lòng tin của ban tổng giám đốc, chị Trang đã hoàn thành tốt vai trò mới.
Đến năm 2009, chị được phân công làm Trưởng ban Dự án phát triển nước tương Hương Việt. Sản phẩm này về sau đã đứng vững trên thị trường, mang về doanh thu trên 10 tỷ đồng. Đến tháng 6-2010, chị Trang được đề bạt làm Phó Tổng giám đốc Kỹ thuật của Công ty cổ phần Cholimex. Nhìn lại quá trình phấn đấu, chị chia sẻ: “Giải thưởng Tôn Đức Thắng như một sự khởi đầu, một nguồn động lực để tôi tiếp tục dốc sức vì công việc để xứng đáng với danh hiệu đó”.
Cùng có những bước tiến đáng kể trong nghề nghiệp như chị Trang là anh Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan. 20 năm trước, anh An là phó phòng kinh tế công ty. Nhờ nỗ lực trong công việc và liên tục có những sáng kiến hay, anh được thăng chức trưởng phòng. Sau khi nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2006, anh được đề bạt làm phó tổng giám đốc công ty. Theo anh An, nguyên nhân giúp anh thành công trong sự nghiệp, ngoài niềm đam mê nghiên cứu là sự quan tâm, tin tưởng, động viên kịp thời của tổ chức công đoàn, lãnh đạo công ty.
Đặc biệt, giải thưởng Tôn Đức Thắng đã giúp anh tự tin hơn và có thêm quyết tâm, động lực để tiếp tục cống hiến. Anh Nguyễn Ngọc An cũng như nhiều cá nhân đã nhận giải Tôn Đức Thắng trong 10 năm qua đều có chung mong muốn: Giải thưởng ngày càng thu hút sự tham gia của những người trẻ, phát hiện và tôn vinh kịp thời những CN có thành tích vượt trội để khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn cho TP.
Bệ đỡ cho công nhân
Được LĐLĐ TPHCM phối hợp với Báo SGGP sáng lập năm 2000, giải thưởng Tôn Đức Thắng tôn vinh những người thợ có cống hiến xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo và đào tạo, bồi dưỡng thợ trẻ, giỏi. Trên cơ sở kết quả thực tế và tầm quan trọng của giải thưởng, năm 2004, UBND TPHCM quyết định chuyển thành giải thưởng cấp thành phố.
Nhìn lại chặng đường phát triển của giải thưởng hơn 10 năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải nhận xét: “Đến nay, Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã trao tặng cho 115 cán bộ kỹ thuật, CN thuộc các ngành kinh tế quan trọng của TP. Các cá nhân sau khi đoạt giải ngày càng trưởng thành hơn trong lao động, trong quản lý”.
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến nhấn mạnh: Điều đáng mừng là hầu hết cá nhân đoạt giải vẫn không ngừng cống hiến, thể hiện vai trò đầu tàu, tiên phong trong lao động sáng tạo. Ý thức và thái độ làm việc của các anh chị đã làm nên giá trị của giải thưởng, xứng danh với người con ưu tú của Tổ quốc, người thợ tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam. Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã được tổ chức 10 năm nhưng mục đích, sức sống, ý nghĩa chính trị - xã hội trong thực tế vẫn mang tính thời sự nóng bỏng; không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của những cá nhân đoạt giải mà đã lan tỏa trong đội ngũ lao động, trở thành những điển hình, những tấm gương cống hiến, sáng tạo hết mình trong sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh của TPHCM. Trong chặng đường tới, Báo SGGP và LĐLĐ TPHCM sẽ nâng tầm, nâng chất giải thưởng để tôn vinh ngày càng nhiều những tấm gương điển hình.
Từ kết quả của Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Công đoàn TP và Báo SGGP hoàn thiện việc tổ chức giải thưởng (đặc biệt là khâu tuyển chọn) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để những công nhân đạt tiêu chuẩn thuộc các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài nhà nước, đều có cơ hội đến với giải. Đồng thời, giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với những công nhân đã đoạt giải để nghiên cứu và đề xuất Thành ủy có chính sách tiếp tục phát huy những cá nhân, đoàn viên công đoàn ưu tú. Giải thưởng không kết thúc sau khi những công nhân tiêu biểu nhận giải mà là bước khởi đầu sự chăm lo đối với họ, là bệ đỡ tương lai cho những công nhân này được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
K.Mai – A.Chân