10 năm mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam: Phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững

Từ xa xỉ đến bình dân
10 năm mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam: Phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững

Bộ Thông tin – Truyền thông và các bộ ngành liên quan đang tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phổ cập viễn thông và Internet của Việt Nam, cũng như việc mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam. Trong thời gian qua, điện thoại di động cũng như Internet đã và đang trở thành những dịch vụ bình dân, thiết yếu của đời sống xã hội. Đó là điều mà hơn 10 năm về trước hầu hết những người Việt Nam đều không nghĩ đến...

Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ điện thoại di động của Mobifone. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ điện thoại di động của Mobifone. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ xa xỉ đến bình dân

Tại thời điểm năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có cạnh tranh bởi VNPT vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần áp đảo trong hầu hết các dịch vụ viễn thông. Thời điểm đó, dịch vụ viễn thông của Việt Nam vẫn đang có mức cước cao. Cụ thể, điện thoại di động chia 3 vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đồng/phút, liên vùng là 6.000 đồng/phút và cách vùng là 8.000 đồng/phút. Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam mới ở mức 0,3 triệu, toàn quốc chỉ có 3,5 triệu thuê bao điện thoại... 

Với việc mở cửa thị trường viễn thông cho nhiều doanh nghiệp khác tham gia như Viettel, EVN Telecom, FPT Telecom, Gtel, Hanoi Telecom... thị trường viễn thông Việt Nam liên tục tăng trưởng ở mức bùng nổ.

Trong 10 năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam được nhận định có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Hiện mức giá cước viễn thông Việt Nam đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực theo đúng tinh thần của Chỉ thị 58.

Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân. Đến nay, toàn quốc có trên 25,09 triệu người sử dụng Internet.

Những khoảng cách còn lại

Phân tích về những kết quả đạt được của Chỉ thị 58, GS Đặng Hữu - nguyên Trưởng ban Chỉ đạo chương trình CNTT Quốc gia cho rằng, Chỉ thị 58 đã thúc đẩy thị trường viễn thông, nhất là dịch vụ Internet phát triển nhanh và mạnh, tuy nhiên tốc độ phát triển không đồng đều giữa các địa phương, thậm chí giữa nhiều bộ ngành. Việc xây dựng hạ tầng mạng viễn thông cũng như phát triển Chính phủ điện tử hiện vẫn chưa thật đồng bộ.

Vì vậy, trong thời gian tới cần có thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp viễn thông đầu tư dịch vụ Internet ở lĩnh vực này. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ Internet và phát triển lĩnh vực công nghiệp CNTT cũng cần được khuyến khích hơn.

Nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng, mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, song những kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được một số mục tiêu và chỉ tiêu cơ bản đề ra trong Chỉ thị 58. CNTT vẫn chưa trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Ngoại trừ lĩnh vực viễn thông đạt mức khá, trình độ CNTT Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa so với các nước tiên tiến trong khu vực. Việc ứng dụng CNTT chưa có tác dụng đổi mới hẳn lề lối làm việc, chưa tạo được thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Thị trường công nghiệp CNTT còn nhỏ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng thừa nhận, mặc dù đã có sự phát triển rất nhanh và mang lại những lợi ích kinh tế – xã hội rất to lớn nhưng hiện nay, viễn thông Việt Nam vẫn đang phát triển ở tình trạng thiếu bền vững. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đến nay đã xuất hiện một số nguy cơ, ví dụ lợi nhuận trên doanh thu, vốn đầu tư, nộp ngân sách Nhà nước trong vài năm qua có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống, doanh thu trên một thuê bao giảm từ năm này qua năm khác, năng suất lao động cũng thấp. Chất lượng mạng lưới dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt các dịch vụ băng rộng, Internet, nhiều lúc còn tắc nghẽn. Vấn đề an toàn, an ninh thông tin trên mạng cũng chưa bảo đảm, nhiều tội phạm mạng, hacker, virus..

Xu hướng hội tụ viễn thông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, công nghệ băng rộng di động như 3G đang có những lợi thế hơn hẳn ADSL về khả năng phát triển thị trường. Chi phí đầu tư cho băng rộng 3G rẻ hơn, chỉ khoảng 50 USD cho mỗi thuê bao, trong khi đầu tư cho một thuê bao ADSL lên tới 150-200 USD. Bên cạnh đó, giá cước băng thông đi quốc tế đã giảm đến mức cho phép các nhà mạng cung cấp dịch vụ băng rộng với giá chỉ 30.000 đồng/tháng. Vì vậy, khả năng phổ cập dịch vụ băng rộng di động dễ dàng hơn nhiều ADSL.

Tuy nhiên, ông Trần Bá Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng như nhiều người cho rằng, khả năng bùng nổ thị trường băng rộng di động ở Việt Nam đang gặp một rào cản là giá thiết bị phần cứng còn đắt. Để giải quyết vấn đề này, (một số doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất điện thoại di động thông minh (smartphone) với giá 80 USD và máy tính với giá 150 USD, dự kiến ra mắt vào giữa năm 2011. Đặc biệt, nhà mạng này dự kiến sẽ trợ giá cho người dùng, chỉ bán máy tính với giá 100 USD.

“Nếu rào cản giá thiết bị đầu cuối được giải tỏa, tôi tin rằng băng rộng di động sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian tới và khả năng đạt mục tiêu 60% số hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi” – ông Hùng cho biết.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục