(SGGP).- Ngày 27-10, tại Hà Nội, Báo Bưu điện Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Viễn thông - Internet Việt Nam, 10 năm thực hiện Chỉ thị 58”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đã đề cập đến kinh nghiệm mở cửa thị trường viễn thông và chống độc quyền; những thành tựu 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 - CT/TW ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các chuyên gia đều nhận định: Chỉ thị 58 đã có những đột phá về tư duy quản lý, yêu cầu mở cửa thị trường viễn thông, internet cho doanh nghiệp tư nhân và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia; coi ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, dịch vụ viễn thông - internet tại Việt Nam đã có những bước tiến dài, trong đó các doanh nghiệp đã góp phần đưa dịch vụ này từ “xa xỉ” trở thành “bình dân”, tạo cơ hội cho đại bộ phận người dân được sử dụng dịch vụ.
Liên tục trong 10 năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Hiện mức giá cước viễn thông Việt Nam đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực. Theo số liệu của Bộ TT-TT, tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ điện thoại đạt 180,7 máy/100 dân. Lĩnh vực internet phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh so với các lĩnh vực khác. Đến nay, toàn quốc có trên 25,09 triệu người sử dụng internet, đạt mật độ 29,24%.
Để viễn thông - internet tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, các chuyên gia kiến nghị: cần chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ tiện ích trên mạng; đồng thời, có những biện pháp động viên, khen ngợi các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ dịch vụ viễn thông - internet cho các ngành y tế, giáo dục...; tiếp tục đưa các loại hình viễn thông - internet về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
T.LƯU