Chính nguồn cảm hứng từ chức vô địch AFF Cup 2008 đã góp phần thay đổi bóng đá Việt Nam. Học viện HA.GL khai giảng khóa 1 vào năm 2008, cũng là năm mà bầu Hiển đầu tư ồ ạt cho bóng đá. Thời điểm đó, hàng chục học viện đào tạo cầu thủ ra đời, bao gồm quỹ PVF hiện đang lớn mạnh bậc nhất Đông Nam Á. 2/3 đội tuyển Việt Nam hiện nay chính là những hạt giống đã trưởng thành của các khoản đầu tư 10 năm trước. Xét về mặt chuyên môn, đã có sự tiến bộ vượt bậc trong chất lượng cầu thủ mà HLV Park Hang-seo đang có trong tay. Điều này cho thấy giá trị của việc đầu tư dài hạn trong bóng đá. Nói cách khác, làm bóng đá mà không tính chuyện 10 năm, 20 năm thì rất khó gặt hái được kết quả.
Thành tích của 10 năm trước cũng là nguyên nhân giúp VFF khóa 5 được giữ lại gần như nguyên vẹn ê kíp tại đại hội nhiệm kỳ 6 vào năm 2009 mặc dù có khá nhiều vấn đề tồn đọng. Thế nhưng, chính việc “ngủ quên trên chiến thắng” này đã dẫn đến những thất bại liên tục của bóng đá Việt Nam 2010 - 2013, khiến VFF khóa 6 trở thành nhiệm kỳ có nhiều sự thay đổi nhất về công tác nhân sự, xảy ra các sự cố nghiêm trọng, bao gồm sự ra đời của Công ty VPF hồi năm 2011.
Nhắc lại chi tiết này là bởi trong hôm nay 8-12, bóng đá Việt Nam có một sự kiện quan trọng là đại hội VFF nhiệm kỳ 8, sau một thời gian phải hoãn, dời liên tục vì yếu tố nhân sự. Mặc dù bị che khuất hoàn toàn bởi bầu không khí chiến thắng của đội tuyển nhưng kết quả của đại hội lại có thể ảnh hưởng đến tương lai bóng đá Việt Nam.
Vì bài học của những năm trước hãy còn nguyên vẹn. Nhiệm kỳ VFF mới nếu không có tư duy tiến bộ, tầm nhìn dài hạn, chỉ chăm chăm khai thác những gì mà bóng đá Việt Nam đang có hiện nay thì trước sau cũng khó tránh được sự thụt lùi. Thành tích của đội tuyển Việt Nam là câu chuyện của HLV Park Hang-seo, của các nhà chuyên môn. Còn nhiệm vụ của VFF là kiến tạo ra những hoạt động đầu tư vào bóng đá để nuôi dưỡng cho tương lai. Lên đỉnh đã khó, giữ được chỗ đứng của mình còn khó hơn rất nhiều.
Chúng ta có thể không lo lắng về thế hệ hiện nay trong tay HLV Park Hang-seo bởi họ vẫn còn 5 - 7 năm chơi bóng đỉnh cao nữa, nhưng buộc phải quan tâm đến thế hệ kế tiếp. Sẽ vô cùng lãng phí nếu con đường mà U.23 và đội tuyển Việt Nam đã mở ra từ đầu năm đến nay không tiếp tục được nối tiếp bằng những cầu thủ có chất lượng và khát khao chinh phục tương đương.
Thực tế thì hiện nay bóng đá Việt Nam hãy còn rất ngổn ngang. Nếu hồi năm 2008, trước khi đội tuyển vô địch AFF Cup, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia bóng đá và họ chỉ đợi được truyền cảm hứng là quyết tâm đầu tư. Nhưng hiện nay, hầu như bóng đá Việt Nam không còn các “ông bầu”, doanh nghiệp rút lui dần việc đầu tư tại các CLB, vốn là nền tảng của mọi sự phát triển.
Đa số các thương hiệu lớn chỉ nhắm đến việc đổ tiền tài trợ, quảng cáo cho đội tuyển quốc gia, cũng vì họ thiếu sự tin tưởng với phần còn lại của nền bóng đá. Đóng góp nào thì cũng có giá trị, nhưng nếu VFF khóa mới thuyết phục được các doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá trẻ, cho chất lượng V-League, cho cơ sở vật chất… thì điều đó mới thực sự mang lại những giá trị cốt lõi, đáp ứng được sự tin yêu mà người dân Việt Nam dành cho đội tuyển Việt Nam hiện nay.
Với việc vào chung kết AFF Cup 2018, sắp đến là cuộc chinh phục đỉnh cao ở Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam đang trên một lộ trình hoàn hảo để tiến đến đẳng cấp mới. Đấy là vận hội và cũng là thách thức cho những người làm bóng đá Việt Nam.