
Cách nay đúng 10 năm, ngày 27-2-1997, cả thế giới chấn động khi Ian Wilmut, nhà khoa học thuộc Viện Roslin ở Edinburgh (Scotland), công bố cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính từ tế bào cừu trưởng thành. Thành tựu khoa học này đến nay vẫn tiếp tục gây tranh cãi về nhiều mặt đạo đức, tôn giáo, xã hội...
Tranh cãi không ngừng

Trước đó, hầu như không nhà khoa học nào nghĩ rằng có thể nhân bản vô tính từ ADN của động vật trưởng thành vì ADN không thể như tế bào gốc có thể phát triển thành các cơ quan khác nhau của cơ thể.
Sau khi cừu Dolly được công bố, nhiều lo ngại dấy lên khắp thế giới. Người ta lo rằng, nếu kỹ thuật này nằm trong tay những kẻ điên rồ, có thể gây nhiều tác hại không lường được. Mối lo càng lớn khi xuất hiện những nhân vật như nhà vật lý Richard Seed, tháng 12-1997 tuyên bố sẽ nhân bản người đầu tiên.
Sau đó, đến chuyên gia sản khoa Mỹ Panayiotis Zavos và bác sĩ sản Italia Severino Antinori (nổi tiếng qua vụ giúp một phụ nữ 62 tuổi có thai), 2 người này từng hợp tác nghiên cứu nhân bản vô tính trên một con tàu neo ở hải phận quốc tế.
Gây lo ngại nhất là Công ty Clonaid (lập bởi bà Brigitte Boisselier, cựu giáo sư hóa, thành viên giáo phái Raelian), năm 2002 từng làm thế giới... hoảng hồn khi tuyên bố nhân bản thành công một bé gái đặt tên Eve, tuy nhiên sau đó Clonaid không trưng ra được bằng chứng.
10 năm sau, tranh cãi còn phức tạp hơn, liên quan đến những nghiên cứu tế bào gốc, nhằm điều trị bệnh hoặc ghép tạng.
Cuộc chạy đua giữa các nhà khoa học từng dẫn đến vụ giáo sư Hwang Woo-suk (Hàn Quốc) giả mạo kết quả nghiên cứu, tuyên bố tạo được phôi người từ tế bào gốc hồi năm 2006. Vụ gian lận này đã biến ông từ anh hùng dân tộc thành kẻ tội đồ.
Tiếp tục nghiên cứu
Sự sợ hãi và lừa đảo đã luôn gây tranh cãi về thành tựu khoa học này, nhưng giới khoa học chân chính vẫn tiếp tục nghiên cứu nhân bản vô tính. Đây được cho là cách hữu hiệu để nhanh chóng hoàn thiện kỹ thuật thay thế các cơ quan người bị hỏng. Đến 90% người Mỹ vẫn phản đối nhân bản vô tính người, nhưng những năm gần đây, có 60%-70% ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc từ các phôi hỏng.
Những người ủng hộ đều cho rằng rằng nghiên cứu nghiêm túc nhân bản vô tính sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Thực tế, theo tiến sĩ Arthur Caplan, giám đốc Trung tâm đạo đức sinh học thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ): 10 năm sau cừu Dolly, nhân bản vô tính vẫn làm phần lớn chúng ta sợ hãi, bởi nó vẫn luôn mới, đầy khó khăn, rất thiếu hiệu quả... Nhân bản vô tính để nghiên cứu vẫn là mối quan tâm của các nhà khoa học thế giới, tuy chưa có ai tiến hành đáng tin cậy.
Đến nay, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính được chuột, dê, heo, bò, thỏ... dù chi phí vẫn cao, thú được nhân bản dễ chết non, bệnh tật, dị dạng... Chuyện Mỹ cho sử dụng sữa, thịt từ thú nhân bản vô tính cũng gây nhiều lo ngại nhưng thực tế, về mặt kinh tế rất khó thực hiện và đắt tiền. Thế nên, tất cả vẫn còn ở phía trước để tiếp tục, cả những nghiên cứu lẫn tranh cãi.
HỒNG CHUYÊN (theo Nature, MSNBC)