(SGGP).- Tại hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác ứng phó và phòng chống bão số 1 và 2 do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 8-8 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, các địa phương đều cho rằng công tác dự báo còn chưa sát tình hình thực tế, cần tăng cường thêm năng lực dự báo mưa, bão lũ và thiên tai.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, trên biển Đông đã có 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp đến đất liền nước ta, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, bão số 1 - Miriane đã làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương, làm ngập hơn 215.000ha lúa, trong đó gần 55.00ha bị hư hại và hơn 17.000ha bị mất trắng; có hơn 31.000 cột điện bị gãy đổ (riêng tỉnh Nam Định có gần 24.000 cột, Thái Bình hơn 5.000 cột). Cơn bão số 2 (Nida) dù không đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã gây mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương. Tổng thiệt hại của 2 cơn bão lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên nói rằng công tác dự báo bão số 1 chưa sát tình hình thực tế, bởi “nghe dự báo thì bình thường nhưng thực tế mưa lũ rất lớn”. Còn đại diện tỉnh Nam Định khẳng định, cơn bão số 1 đổ bộ vào Nam Định với cấp gió giật 12 - 13, trên cấp 13. Cơ quan dự báo khí tượng chưa dự báo đúng cấp độ gió bão trong khi một bộ phận người dân và địa phương chủ quan trong công tác tuyên truyền nên trở tay không kịp.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng xác nhận, bão số 1 khi vào gần bờ di chuyển chậm và tăng cấp nên đã gây bất ngờ, bị động trong triển khai ứng phó cho người dân và các cấp chính quyền. Tại cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định vào chiều 26-7 đã không có tỉnh Ninh Bình bởi theo dự báo ban đầu, bão số 1 không tác động đến tỉnh này. Nhưng thực tế tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 1 và thiệt hại lớn về tài sản.
Bão số 1 làm cây to đổ ngang đường đè bẹp các xe ô tô tại Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, dự báo bão số 1 là khá sát về khu vực, thời gian bão đổ bộ nhưng chưa dự báo được sự di chuyển chậm bất thường của bão số 1 khi vào gần bờ cũng như thời gian duy trì gió mạnh ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lâu hơn so với quy luật thông thường. “Thực tế, không trung tâm nào dự báo sớm được điều này và đây là một hạn chế của khoa học công nghệ dự báo bão”, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương thanh minh.
Nhìn nhận về công tác dự báo và phòng chống 2 cơn bão vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập trong công tác dự báo và triển khai ứng phó. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo Phó Thủ tướng, chỉ đạo của các bộ ngành, địa phương quyết liệt nhưng một số nơi vẫn bị động, lúng túng và chủ quan. Sự chủ động còn chưa cao, phụ thuộc vào chỉ đạo từ cấp trên. Việc cưỡng chế, sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm còn chưa quyết liệt. Việc kiểm tra các công trình hạ tầng còn chưa thường xuyên. Đồng thời khẳng định thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do vậy các bộ, ngành và địa phương phải khắc phục những tồn tại, yếu kém để giảm tối đa thiệt hại do bão, lũ gây ra.
|
VĂN PHÚC