Nổi dậy, hòa giải, sự biến mất bí ẩn hay dịch bệnh bùng phát vượt khỏi tầm kiểm soát… đều là những yếu tố mang tầm quốc tế đáng ghi nhận trong năm 2014. Mời bạn đọc cùng Ban Quốc tế Báo SGGP nhìn lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm, những sự kiện mà hiệu quả cũng như hậu quả chắc chắn sẽ còn kéo dài trong tương lai.
Ebola cướp đi sinh mạng hàng ngàn người ở châu Phi.
1. Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ
Sau 18 tháng đàm phán bí mật, với sự hậu thuẫn của Vatican và Canada, thông qua một cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhất trí về việc trao đổi tù nhân và thành lập các đại sứ quán. Đây là những bước đi đầu tiên trong việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước. Phát biểu trên truyền hình nhân sự kiện này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận việc cô lập, cấm vận Cuba trong hơn 50 năm qua không có tác dụng, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc cần có hướng tiếp cận mới. Việc bình thường hóa quan hệ 2 nước sẽ mang đến nhiều cơ hội về hợp tác kinh tế giữa Mỹ - Cuba.
2. Biển Đông dậy sóng
Đây cũng là tiêu đề nổi bật của giới báo chí truyền thông quốc tế khi nhắc tới sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan di động Hải Dương - 981 đến vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để thăm dò và khai thác dầu vào tháng 5-2014. Sau hành động trên của Trung Quốc, các nước, khu vực như Mỹ, EU, ASEAN cảnh báo nước này sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh ở biển Đông. Chuyên gia an ninh về Trung Quốc tại Đại học George Washington, ông David Shambaugh, khẳng định: “Trung Quốc đang mất rất nhiều thứ do cách hành xử của nước này đối với láng giềng, gây thiệt hại to lớn cho Trung Quốc trong khu vực, trên thế giới và cả trong tòa án dư luận quốc tế”.
3. Dịch Ebola bùng phát trên toàn cầu
Xuất hiện tại Guinea, virus mang tên một con sông ở châu Phi - Ebola bùng nổ tại 3 nước Tây Phi là Guinea, Sierra Leone và Liberia, sau đó sang nhiều nước châu Phi khác, theo chân những bác sĩ đến tận Mỹ và một số nước Tây Âu. Tính đến nay, đã có trên 7.500 người chết và hơn 18.000 ca nhiễm do virus này gây ra trên toàn cầu.
4. Sự trỗi dậy của IS
Vào trung tuần tháng 6, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gieo rắc nỗi sợ hãi giữa
lòng Trung Đông vì sự tàn ác vượt qua những “anh cả” al-Qaeda và Taliban. IS trở thành một nhóm gây ảnh hưởng ở Iraq và Syria, khi chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực. IS có hơn 30.000 chiến binh, đặc biệt nguy hiểm vì thu hút sự tham gia của hàng ngàn tân binh đến từ các nước phương Tây và một số quốc gia châu Á. Nhằm biểu thị sự chống đối sau các trận không kích do lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện, IS đã công bố nhiều đoạn video hành quyết các con tin. Lực lượng này còn tàn sát hàng ngàn người Syria và Iraq mang tư tưởng chống đối hoặc không chịu cải đạo.
5. Khủng hoảng chính trị Ukraine: Nga và phương Tây đối đầu
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã thực sự làm đảo lộn quốc gia Đông Âu này; Crimea đòi độc lập và sáp nhập vào Nga. Cuộc khủng khoảng chưa có hồi hết này còn làm leo thang căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế Nga gặp khó. Nga đáp trả, cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ châu Âu làm nhiều quốc gia ở lục địa già khốn đốn. Nhiều chuyên gia nhận định việc giá dầu thế giới giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 60 USD/thùng trong khoảng thời gian cuối năm 2014 là ý đồ của Mỹ và đồng minh nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Nga, vốn dựa nhiều vào xuất khẩu vàng đen.
Xung đột Ukraine chưa có hồi kết
6. Trung Quốc mạnh tay diệt quan tham
Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc được thực hiện ráo riết quyết liệt, sau khi truy tố nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tài Tài Hậu, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã chính thức điều tra “trùm” an ninh Chu Vĩnh Khang. Không chỉ chống quan tham trong nước, Trung Quốc còn hợp tác với các nước để truy nã, dẫn độ các quan chức kinh tế tham nhũng rồi trốn ra nước ngoài. Tính đến cuối năm, đã có gần 500 quan tham ở nước ngoài bị bắt hoặc tự ra đầu thú.
7. Nạn phân biệt chủng tộc chia rẽ xã hội Mỹ
Những ngày cuối năm 2014, hàng loạt các vụ cảnh sát da trắng bắn chết, bóp cổ người da màu làm bùng phát các cuộc biểu tình bạo loạn khắp các TP lớn, tranh luận gay gắt về nạn phân biệt chủng tộc và thực thi pháp luật tại Mỹ. Tổng thống Barack Obama phải kêu gọi thanh niên cả nước bình tĩnh, kiềm chế trong cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc. Ông tuyên bố: “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này chỉ sau một đêm, bởi đây là vấn đề cắm sâu trong xã hội và lịch sử đất nước chúng ta”.
8. Năm đại nạn của ngành hàng không Malaysia
Chiếc máy bay QZ8501 mất tích là vụ thứ 3 có liên quan đến một hãng hàng không Malaysia trong năm nay, sau vụ mất tích của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines chở 239 hành khách và các thành viên phi hành đoàn vào tháng 3, sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, Malaysia bay đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Tiếp đến là vụ chiếc Boeing mang số hiệu MH17 bị nổ trên không phận miền Đông Ukraine vào tháng 7 khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Cũng là thảm họa, vụ chìm phà Sewol của Hàn Quốc vào ngày 16-4 chở 476 người, đa số là trẻ em, làm 304 người chết trở thành thảm kịch chìm phà tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc cũng như thế giới.
9. Taliban bắt cóc, thảm sát con tin
Ngày 16-12 đã trở thành ngày kinh hoàng của người dân Pakistan khi lực lượng Taliban tấn công và bắt cóc 500 người tại trường cao đẳng quân sự ở Peshawar. Vụ tấn công làm 145 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là trẻ em. Những người sống sót kể lại rằng những tay súng đã bắn chết từng đứa trẻ. So với những vụ tấn công trước đó từng nhắm vào trẻ em và dân thường thì vụ tấn công này là tồi tệ nhất. Vụ tấn công được cho là lời cảnh báo trước về một kết thúc thất bại trong những vụ hòa đàm bí mật được Chính phủ Pakistan thực hiện với Taliban trong thời gian qua.
10. “Năm Palestine”
Năm 2014 được Đại hội đồng LHQ tuyên bố là “Năm quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine” và cũng là năm Palestine gặt hái nhiều thành công trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trong suốt 66 năm qua kể từ ngày LHQ thông qua Nghị quyết phân chia lãnh thổ Palestine năm 1947. Tính đến cuối năm 2014, chính quyền Palestine đã nhận được sự công nhận và ủng hộ của khoảng 140 nước, chiếm khoảng 70% số thành viên LHQ. Đây là thành công bước đầu của chính quyền Palestine cũng như điểm sáng cho tiến trình hòa bình Trung Đông bế tắc bấy lâu nay.
BAN QUỐC TẾ