10 triệu người tham gia hưởng ứng Giờ Trái đất sống

Còn gần 2 tháng nữa là chính thức diễn ra sự kiện Giờ Trái đất. Thế nhưng, theo thông báo từ Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất thế giới, tính đến nay đã có hơn 10 triệu người đã đăng ký tham gia chiến dịch.

Còn gần 2 tháng nữa là chính thức diễn ra sự kiện Giờ Trái đất. Thế nhưng, theo thông báo từ Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất thế giới, tính đến nay đã có hơn 10 triệu người đã đăng ký tham gia chiến dịch.

Khác với những năm trước đây, bắt đầu từ năm 2014, chiến dịch Giờ Trái đất sẽ chính thức được đổi tên thành Giờ Trái đất sống và sẽ được duy trì liên tục trong ba năm, từ năm 2014 - 2016. Mục đích nhằm nỗ lực để tạo ra một hệ sinh thái toàn cầu mà trong đó mỗi dự án tại một địa phương hay một quốc gia sẽ được kết nối và có tác động đến toàn cầu. Cụ thể, chiến dịch Giờ Trái đất sống sẽ tập trung vào phát triển 3 phần chính: Gây quỹ hỗ trợ dự án cải thiện chất lượng môi trường; giọng nói của bạn làm thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường của thế giới và cuối cùng là lập bản đồ sự kiện toàn cầu.

Để đạt hiệu quả tốt cho 3 mục tiêu trên, với hoạt động gây quỹ cho chiến dịch, ban tổ chức sẽ lựa chọn và triển khai những dự án có tính chất giáo dục cộng đồng và bảo tồn cho hệ sinh thái môi trường. Sau đó, ban tổ chức sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho các dự án thông qua mô hình “Tôi sẽ làm nếu bạn làm” để các dự án trên có thể đến được với rộng rãi cộng đồng, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng. Hiện tại, dự án Bếp lò tiết kiệm gỗ ở Madagascar giúp hạn chế nạn phá rừng và tiết kiệm tiền cho gia đình; dự án đèn năng lượng mặt trời ở Ấn Độ làm tăng chất lượng cuộc sống cho ngôi làng không có điện và thúc đẩy năng lượng tái tạo và dự án từ Giờ Trái đất ở Uganda nhằm mục đích trồng rừng 2.700ha đất bị suy thoái và đào tạo cộng đồng địa phương bảo vệ rừng được xem là khả thi nhất cho sự lựa chọn trên. Và dựa trên nguyên tắc góp tiểu thành đại, ban tổ chức sẽ vận động cộng đồng thế giới hãy góp sức mình bằng cách “nhấn nút like” cho dự án mà mình thích. Mỗi nhấn “like” sẽ tương ứng với việc người đó đã ủng hộ 1 USD cho dự án. Còn với dự án giọng nói của bạn làm thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường của thế giới, đây sẽ là một cơ hội để mọi người thêm tiếng nói của mình thông qua các phương tiện truyền thông xã hội góp phần cải thiện cách sống sao cho thân thiện với môi trường hơn. Mặt khác, thông qua dự án này, ban tổ chức sẽ thực hiện vận động cộng đồng thế giới bình chọn trực tiếp cho các thành phố, các quốc gia thực hiện tốt chiến dịch Giờ Trái đất sống. Cuối cùng, dự án lập bản đồ sự kiện toàn cầu là sự tạo dựng hình ảnh về quy mô và sự tham gia vào sự kiện Giờ Trái đất của các thành phố, quốc gia tham gia. Đồng thời cũng là hành động nhằm nhấn mạnh tính liên tục của một sự kiện có sức lan tỏa mạnh và rộng khắp hành tinh.

Được biết, chiến dịch Giờ Trái đất là một sự kiện quốc tế hàng năm, do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế (WWF) khởi xướng đầu tiên vào năm 2007. Mục đích nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tắt các thiết bị điện nhưng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất lần đầu tiên vào năm 2009 và được duy trì thường niên cho đến nay. Mong muốn của Việt Nam khi tham gia vào chiến dịch có tính chất và quy mô toàn cầu trên nhằm vận động cộng đồng không chỉ dừng lại ở hành động tắt điện một giờ mà hãy thay đổi những thói quen sống có hại cho môi trường. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống của chính mình. Khởi điểm chiến dịch đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân tại 6 tỉnh, thành và đến nay, con số này đã được nhân rộng ra 32 tỉnh, thành với hàng triệu người dân tham gia.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục