14-12 sẽ diễn ra sự kiện tôn vinh Doanh nghiệp Xanh

14-12 sẽ diễn ra sự kiện tôn vinh Doanh nghiệp Xanh

Giải thưởng Doanh nghiệp xanh do UBND TPHCM chủ trì phát động và triển khai từ năm 2006. Đây là giải thưởng đầu tiên trong cả nước hướng đến tôn vinh doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp được chọn và trao chứng nhận doanh nghiệp xanh. Riêng năm 2012, ban tổ chức giải thưởng đang hoàn tất những công việc cuối cùng chuẩn chị cho lễ trao giải thưởng diễn ra vào ngày 14-12 tại Nhà hát TPHCM. Và lần này, sẽ có 50 doanh nghiệp xuất sắc được chọn để trao chứng nhận xanh.

Giải thưởng Doanh nghiệp xanh - Tôn vinh những doanh nghiệp có nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường.

Giải thưởng Doanh nghiệp xanh - Tôn vinh những doanh nghiệp có nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường.

Mỗi doanh nghiệp một giải pháp xanh

Đó là những gì mà các doanh nghiệp được chọn là Doanh nghiệp xanh năm 2012 đã và đang làm và cũng là yếu tố để được chọn là doanh nghiệp xanh. Ông Thái Doãn Thất, Phó Giám đốc Công ty Dệt may 7- Quân khu 7 cũng tâm sự, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nhất là chất lượng sản phẩm, công ty xác định bước đột phá quan trọng là đầu tư sản xuất có chiều sâu, với trang thiết bị máy móc hiện đại. Ngoài việc rà soát, điều chỉnh tất cả các định mức kỹ thuật cho phù hợp, sát với thực tế, công ty luôn khuyến khích cán bộ, công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới và áp dụng quy trình công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt, Công ty đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các quy trình công nghệ, hóa chất mới thay thế trong nhuộm, in vải Gabadine, Xicarô in loang bảo đảm độ bền màu theo quy định. Không dừng lại ở đó, công ty đã cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi lò hơi 5 tấn và lò dầu truyền tải nhiệt cho máy căng sấy định hình trước đây đốt bằng dầu FO (chi phí rất cao, gây ô nhiễm môi trường nặng) sang đốt bằng than. Qua 2 năm vận hành lượng hơi phục vụ sản xuất nhuộm, in vẫn được bảo đảm tốt, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm được chi phí.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty Dệt may 7 – Quân khu 7

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty Dệt may 7 – Quân khu 7

Không dừng lại ở việc thay đổi công nghệ, trang thiết bị hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã tự nghiên cứu, tìm hiểu và có những sáng kiến mang lại rất nhiều lợi nhuận cho công ty. Điển hình như Công ty Cổ phần Văn hóa Tân Bình. Ông Hoàng Văn Điều, Giám đốc điều hành cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên công ty đã mạnh dạn đầu tư sản xuất bao bì nhựa tự hủy theo công nghệ hiện đại của Canada với tổng kinh phí đầu tư trên 60 triệu USD. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Australia, Canada, Đức, Anh, Pháp... Mục tiêu của công ty là hướng đến những sản phẩm thân thiện với môi trường. Công ty đã phối hợp với Thương xá Tax để đưa bao bì tự hủy vào sử dụng và cũng đã nhận được sự ủng hộ của khách hàng.

Trường hợp Công ty Gỗ Đức Thành lại khác, trong khi nhiều DN chế biến gỗ tại Việt Nam chỉ sử dụng các loại gỗ rừng tự nhiên hoặc gỗ quý hiếm để có giá trị xuất khẩu cao, thì Công ty Gỗ Đức Thành vẫn miệt mài và trung thành với việc chỉ sử dụng gỗ cây trồng như cây cao su, cây tràm bông vàng. Ngay từ những ngày đầu, Đức Thành đã ý thức được việc “sử dụng gỗ cây trồng để sản xuất tức là đã góp phần bảo vệ môi trường”. Và sự chọn lựa này đã đeo đuổi Đức Thành suốt 20 năm qua kể từ ngày thành lập đến nay.

Nếu như trước đây, cây cao su chỉ có một mục đích là lấy mủ. Sau khi lứa này già đi, phải thanh lý để lấy đất trồng lại lứa mới, cánh rừng cao su già cỗi lúc này sẽ trở thành chất đốt hay phong hóa vô cùng lãng phí. Với nghiên cứu mới này, Đức Thành đã biến nguồn gỗ cao su dồi dào và rất dễ trồng ở Việt Nam trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị sử dụng cao. Chính định hướng đúng đắn này đã đem đến cho Đức Thành hai lợi thế: khai thác được thế mạnh quốc gia là nguồn gỗ cây trồng bạt ngàn, đồng thời mở ra một hướng đi, một thị trường mới mà ở đó giảm thiểu được sự cạnh tranh.

Khác lĩnh vực vẫn chung nhận thức xanh

Những giải pháp mà những doanh nghiệp trên đang nghĩ và đang làm cũng là chung của hơn 40 doanh nghiệp còn lại đang triển khai thực hiện. Dù có thể với mỗi doanh nghiệp, hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau, cách thức áp dụng giải pháp sản xuất xanh khác nhau nhưng ở họ vẫn có cái chung, đó là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp đã chăm lo đến hoạt động bảo vệ môi trường. Bản thân họ đã nhận thức rất rõ phát triển xanh cũng chính là phát triển bền vững và thân thiện với cộng đồng.

Điều này so với 10 năm trước đây đủ để thấy rằng, ý thức của những người làm kinh doanh đã thay đổi nhiều. Họ sẵn sàng bỏ ra một chi phí lớn để đầu tư cho tương lai. Thông qua các giải pháp giảm thiểu phát thải đầu nguồn nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế và trong nước, xây dựng được thương hiệu “sản phẩm xanh” trong cộng đồng, đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường. Trên thực tế, trong định hướng phát triển chung, các doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu, doanh nghiệp còn phải gắn liền với trách nhiệm xã hội, đảm bảo rằng những hoạt động của mình tuân thủ theo pháp luật, các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như quan tâm đến lợi ích cộng đồng… ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã làm được như vậy. Họ xứng đáng là những Doanh nghiệp xanh Việt Nam.

Đại diện Ban tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh cho biết, để tôn vinh những hành động xanh, nhận thức xanh và cách làm xanh của các doanh nghiệp, ngày 14-12, Ban tổ chức sẽ tổ chức lễ trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh 2012. Và đó cũng là cách thể hiện sự trân trọng những hoạt động mà doanh nghiệp đã và đang làm nhằm tạo nên chất lượng môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng hiện tại và tương lai.

HOÀNG LAM-MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục