20 năm thấp thỏm chờ... giải tỏa

20 năm thấp thỏm chờ... giải tỏa

Người dân ở thôn Hải Cát 2, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) sinh sống dọc bờ sông Hương từ hơn 30 năm nay. Kể từ khi Xí nghiệp Khai thác đá Ga Lôi,  thuộc Công ty Khai thác đá Thừa Thiên-Huế hoạt động ở khu vực này, hàng chục hộ dân ở đây luôn “thấp thỏm” không yên do việc đền bù giải tỏa, đưa dân đến khu tái định cư mới quá chậm trễ và kéo dài hơn 20 năm nay.

Thay đổi xoành xoạch

20 năm thấp thỏm chờ... giải tỏa ảnh 1

Năm 1985, Xí nghiệp Khai thác đá Ga Lôi được tỉnh cấp phép khai thác tại khu vực Mỏ đá Ga Lôi, thôn Hải Cát 2, xã Hương Thọ. Cũng từ đó đến nay, hàng chục hộ dân sống xung quanh khu vực này phải sống chung với ô nhiễm, bởi khói bụi, tiếng ồn và nguy hiểm khi đơn vị này cho đặt mìn khai thác đá… Trước thực trạng này, năm 1988, huyện Hương Trà đã có chủ trương đưa những hộ dân xung quanh mỏ đá đến nơi tái định cư mới. Tuy nhiên, qua “năm lần, bảy lượt” kiểm kê, do vướng mắc từ nhiều phía nên địa phương vẫn không thực hiện được.

Năm 2002, UBND huyện Hương Trà ra quyết định áp giá đền bù, chính quyền xã Hương Thọ hoàn thành kiểm kê tài sản, đất đai và vật kiến trúc... tổng kinh phí cho đền bù 18 hộ dân là 240 triệu đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó do phía Công ty Khai thác đá Thừa Thiên-Huế không đủ khả năng tài chính nên mọi việc kéo dài mãi đến nay. Tháng 4-2006, xã Hương Thọ mời dân lên họp và thông báo cho người dân được phép cơi nới, xây nhà kiên cố để ở. Tuy nhiên, đến ngày 5-7-2006, UBND xã lại thông báo… giải tỏa, không cho người dân xây mới nhà cửa, khiến không ít hộ “dở khóc, dở cười”.

Giải tỏa, chờ đến bao giờ?

Nhắc đến việc di dời, ai cũng méo mặt. Vợ chồng anh Võ Văn Đức, thôn Hải Cát 2, sau bao nhiêu năm dành dụm được hơn 10 triệu đồng, vay thêm 7 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà. Nhưng khi  gia đình  anh Đức vừa tháo dỡ xong nhà cũ, thì UBND xã Hương Thọ thông báo tạm ngưng xây dựng, bởi “khu vực nằm trong vùng nguy hiểm của mỏ đá”. Từ đó đến nay, anh phải che 1 cái chòi nhỏ để ở tạm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Bé, vợ anh Đức bức xúc: “Cả nhà 6 người phải chui vô chui ra trong cái chòi nhỏ xíu, trời nắng thì nóng như cái lò thiêu, còn mưa thì ướt như chuột. Gia đình tui sống ở đây hơn 30 năm nay, vì nằm trong khu vực quy hoạch để khai thác đá nên sổ đỏ cũng không được cấp, nhà cũng không được làm để ở”.

Trường hợp của anh Phạm Văn Châu và chị Phan Thị Tuất bức xúc không kém. Nghe xã cho xây nhà, vợ chồng anh như mở cờ trong bụng, dồn hết tiền xây nhà mới. Nhà xây xong, chưa kịp vui thì xã lại bắt… chuyển đi nơi khác khiến anh Châu tay chân rụng rời. Vì “quy hoạch treo” nên hàng chục hộ dân phải sống trong cảnh nhà xập xệ, không có đường giao thông nông thôn, không có nước sạch…

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Văn Chúng, phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Năm 2002, áp giá đền bù không thành. Năm 2005 xã thông báo cho dân xây nhà để ổn định cuộc sống và an cư trên vùng đất của mình. Tuy nhiên, giữa năm 2005, Sở Tài nguyên-Môi trường TT-Huế có đợt kiểm tra quanh khu vực mỏ đá Ga Lôi đã yêu cầu phải di dân khỏi khu vực nguy hiểm. Theo đó, xã Hương Thọ đã thành lập khu tái định cư 3,8 ha ở phía Tây TP Huế, đầu tư 450 triệu đồng xây dựng đường sá và lưới điện phục vụ sinh hoạt cho người dân.  Hiện, chính quyền đang kiểm kê đền bù theo giá mới nên mới chậm như thế”. 

Ông Phan Văn Vui, Trưởng phòng Tổ chức, Công ty Khai thác đá TT-Huế cho hay, hiện nay công ty đã chuẩn bị tài chính sẵn sàng đền bù, đưa người dân đến nơi ở mới. Còn việc chậm di dời là do phía xã và huyện quá chậm kiểm kê tài sản người dân. Việc kiểm kê đền bù xong khi nào thì công ty sẽ giao tiền ngay.

Tin cùng chuyên mục