Ngày 6-1, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động - người có công và xã hội năm 2014.
Năm 2013, hơn 1,5 triệu lao động được giải quyết việc làm (đạt 96,45% kế hoạch) trong đó giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,4 triệu lao động, xuất khẩu lao động 88.155 người. Hơn 1,7 triệu người được dạy nghề (đạt 91,15% kế hoạch), trong đó dạy nghề cho khoảng 450.000 lao động nông thôn (tăng 10,2% so với thực hiện năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89%. Đến cuối năm 2013 có 82% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,6%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền tại cơ sở y tế công lập...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chỉ tiêu tạo việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra; tình trạng các doanh nghiệp đưa người lao động ngoài nước vào làm việc ở Việt Nam chấp hành không đúng các quy định của pháp luật còn tương đối phổ biến; lao động thiếu việc làm, việc làm thu nhập thấp làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; trình độ tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp. Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư. Một số địa phương vẫn còn những sai sót, vi phạm phải xử lý như trong lĩnh vực dạy nghề vẫn còn sai phạm, man khai làm hồ sơ để hưởng chính sách người có công, ngược đãi trẻ em…
Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hoạt động của ngành trong năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có nguyên nhân do điều kiện kinh tế, xã hội nhưng cũng có nguyên nhân do sự điều hành, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ, ngành còn nhiều vướng mắc, cần có những giải pháp tích cực giải quyết.
Khẳng định các lĩnh vực của ngành LĐTB-XH là rất quan trọng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong năm 2014, ngành cần tập trung giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động. Theo Phó Thủ tướng, để giải quyết việc làm cho người lao động cần chú trọng đến việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Bộ LĐTB-XH cần làm đầu mối để kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trong năm 2014, ngành LĐTB-XH cần quyết liệt chấn chỉnh việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu phí người lao động cao hơn mức quy định. Những đơn vị, doanh nghiệp nào vi phạm cần được xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm lo đời sống người có công, chú trọng bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng, chống ma túy, mại dâm...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong năm 2014, ngành LĐTB-XH cần tập trung rà soát, xây dựng các văn bản, chính sách, đề án có mục tiêu rõ ràng, có tính khả thi, tránh việc xây dựng các đề án không mang tính thực tiễn, hiệu quả hoạt động không cao. Đồng thời, ngành cần có sự công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động...
Hội nghị đã đề ra các chỉ tiêu trong năm 2014 là: Tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước 1,5 triệu người, xuất khẩu lao động 87.000 người, tuyển mới dạy nghề 1,7 triệu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7% - 2% so với năm 2013. Phấn đấu đưa 97% số gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú, thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc.
TTXVN
Nỗ lực nối lại thị trường lao động
Đã gần 18 tháng kể từ khi Hàn Quốc thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình EPS, việc đưa lao động nước ta sang làm việc tại Hàn Quốc vẫn chưa được nối lại. Trong khi đó, hàng chục ngàn lao động đã trúng tuyển thông qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn vẫn phải chờ đợi không biết đến bao giờ. Liệu khi chương trình được nối lại thì họ có đủ tiêu chuẩn để đi tiếp nữa không? PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), về vấn đề này.
- Phóng viên: Mặc dù xuất khẩu lao động năm 2013 vẫn vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng trên thực tế đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn đang đóng cửa với lao động từ Việt Nam. Vậy cơ quan quản lý lao động sẽ làm gì để nối lại thị trường tiềm năng này, thưa ông?
>> Ông NGUYỄN NGỌC QUỲNH: Do tình trạng lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc vi phạm hợp đồng, mãn hạn không chịu về nước hoặc trốn ra ngoài làm việc chui… ngày càng gia tăng nên từ tháng 8-2012, cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc đã chính thức có thông báo tạm dừng tiếp nhận mới đối với lao động Việt Nam. Cũng vì vậy, đã có hàng ngàn lao động bị kẹt lại dù đã được trúng tuyển qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào cuối năm 2011 và giữa năm 2012.
Theo yêu cầu của cơ quan quản lý lao động Hàn Quốc, chương trình xuất khẩu lao động phổ thông sẽ được nối lại khi chúng ta nỗ lực giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn và hết hạn hợp đồng không chịu về nước xuống một tỷ lệ tạm chấp nhận được là dưới 30% so với hiện nay. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ LĐTB-XH cùng với chính quyền các địa phương đang có tỷ lệ lao động bỏ trốn và vi phạm tại Hàn Quốc ở mức cao đã rất tích cực tổ chức các chương trình tuyên truyền, vận động lao động về nước và chấp hành đúng quy định của Hàn Quốc. Vì vậy, từ tỷ lệ lao động vi phạm 58% đến nay đã giảm xuống còn 38%.
Mặc dù hiện tại, chưa có thông tin chính thức và thời điểm phía Hàn Quốc sẽ mở lại việc tiếp nhận đối với lao động Việt Nam, nhưng một tin vui là mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH đã cùng với đại diện Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc ký một bản ghi nhớ đặc biệt, khác hẳn so với những bản ghi nhớ thông thường trước đó, nhằm gia hạn cho những lao động Việt Nam đã trải qua các kỳ kiểm tra tiếng Hàn để đảm bảo quyền lợi cho những lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc. Theo thống kê, hiện đang có khoảng 14.500 lao động thuộc diện này. Đối tượng thứ hai cũng được ưu tiên trong thời gian tới là những lao động ở các huyện nghèo đã được tuyển chọn theo Đề án 30a hỗ trợ 62 huyện nghèo nhất cả nước của Chính phủ. Hiện đang có khoảng 1.895 người thuộc đối tượng này sẽ tiếp tục được đăng ký và kiểm tra tiếng Hàn. Đối tượng thứ ba, những lao động về nước đúng hạn, lao động trung thành (không bỏ trốn ra làm cho chủ khác)… cũng sẽ được đăng ký lại để sang Hàn Quốc làm việc. Hiện có khoảng 800 người thuộc đối tượng này.
- Phần lớn các lao động thuộc đối tượng trên đều đã thông qua kỳ thi tiếng Hàn. Vậy họ có phải học lại, kiểm tra lại nữa không?
Theo bản ghi nhớ, tất cả các đối tượng nêu trên sẽ được xem xét để thông qua một kỳ kiểm tra lại tiếng Hàn trước khi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Theo quy định, vẫn phải kiểm tra lại. Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) sẽ tổ chức các lớp học, kiểm tra tiếng Hàn và người lao động vẫn phải lo kinh phí học. Chúng tôi sẽ chủ động tuyên truyền để người lao động nắm rõ, tránh hiện tượng bị “cò mồi”, đối tượng trung gian lợi dụng lừa đảo như thời gian qua.
Theo yêu cầu của Hàn Quốc, các lao động Việt Nam muốn sang làm việc tại Hàn Quốc phải có chứng chỉ tiếng Hàn. Bởi nhiều năm qua, lao động của ta vẫn bị các chủ lao động Hàn Quốc kêu ca là khả năng tiếng Hàn kém, gây khó khăn cho việc giao tiếp và làm việc.
- Hiện nay, vấn đề băn khoăn là quy định khi đăng ký đi xuất khẩu lao động, người lao động đều phải ký quỹ 100 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ và cũng không dễ vay mượn, trong khi họ phải lo rất nhiều khoản đóng góp khác?
Cần phải nói rằng, việc quy định người lao động phải ký quỹ trước khi ra nước ngoài làm việc là cần thiết. Bởi vì từ nhiều năm qua, tình trạng người lao động nước ta bỏ trốn và vi phạm hợp đồng ở các thị trường lao động tiềm năng là rất nhức nhối. Thực tế, chúng ta cũng đã áp dụng nhiều biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nhưng do mức quy định thấp nên cuối cùng cũng không hiệu quả. Chỉ với mức tiền phạt là 3 - 5 triệu đồng và cấm không cho đi xuất khẩu lao động trở lại 3 - 5 năm, chẳng làm người lao động e sợ. Bởi vì chỉ cần đi sang Hàn Quốc làm việc 3 - 4 năm, lương mỗi tháng 1.000 USD trở lên và ở lại bên đó thêm 3 - 4 năm nữa để làm việc chui thì khi trở về có bị phạt dăm ba triệu đồng cũng chẳng hề hấn gì. Do đó, các chuyên gia đều thấy rằng cần phải có chế tài đủ mạnh, ràng buộc về kinh tế, bắt buộc người lao động ký quỹ trước khi xuất khẩu lao động thì mới quản lý được nhân sự, ngăn chặn tỷ lệ bỏ trốn, vi phạm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khẳng định rằng đây chỉ là biện pháp tình thế mà chúng ta không mong muốn. Nếu sau này người lao động của chúng ta chấp hành tốt rồi thì sẽ bãi bỏ.
| |
VĂN PHÚC