Để phát hiện những hang động lớn ở Kẻ Bàng (Quảng Bình), đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh phải cậy nhờ đến một đội tìm kiếm địa phương ở làng Phong Nha do Hồ Khanh dẫn đầu. Đó là những người quanh năm ruộng vườn, nhưng khi nghe đến hang động, họ sẵn lòng vào rừng, cơm đùm gạo bới tìm kiếm hang và tên tuổi của họ thường được đoàn thám hiểm đề xuất đưa lên đầu tiên trên hệ thống truyền thông quốc tế như BBC, CNN, National Geographic...
Người phụ nữ quả cảm
Trong đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, có hai người phụ nữ. Một là bà Debb, vợ của Howard Limbert, đã theo suốt chặng hành trình 23 năm trời. Đội tìm kiếm hang động đặt chân đến đâu, bà Debb đều dấn thân đến đó. Bà Debb đã có 23 năm theo chồng giữa các cánh rừng Việt Nam. Nơi nào có thông tin hang động, bà thu xếp cho cả đoàn cùng lên đường. Điểm thường xuyên lui tới của bà và các cộng sự là hệ núi đá vôi Kẻ Bàng. Bà Debb từng nói: “Đây là mảnh đất thân thiện, cuốn hút bởi các kỳ bí của hang động, chúng tôi thật sự khám phá được chính bản thân mình từ khu vực này”.
23 năm thám hiểm, bà Debb thổ lộ chuyến nào cũng có mặt, mỗi lần như thế không dưới một tháng và luôn được thuyết phục bởi vẻ đẹp thật hiền từ của đất và người xứ gió Lào cát trắng. Bà đã từng tham gia thám hiểm hang Khe Ry, hang nước rất dài để cho ra đời một sơ đồ hang động hàng chục cây số. Bà cũng đặt chân lần đầu vào hang động Phong Nha trứ danh rồi theo chân Hồ Khanh chụp ảnh, thám hiểm, kẻ vẽ Thiên Đường dài hơn 31km. Bà cũng là người không thể thiếu của hồ sơ hang động hơn 153km suốt dọc dài 23 năm khám phá Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bà cũng là người phụ nữ quan trọng khi đội hình thám hiểm dõng dạc tuyên bố trước thế giới hang động lớn nhất địa cầu là Sơn Đoòng. Những trải nghiệm của bà về một vùng đất kỳ bí ở Kẻ Bàng được tiết lộ là hiểu phần nào 10% khu vực đá vôi này, 90% còn lại, bà hy vọng sẽ lần lượt được khám phá. Nếu đời bà, chồng bà hay các cộng sự không khám phá hết, bà sẽ truyền cảm hứng đó cho con cái, cho những người có niềm đam mê như bà. Trả lời câu hỏi nếu có sự lựa chọn trở lại của 23 năm trước, bà khẳng định: “Tôi chọn thám hiểm hang động ở đây, mảnh đất dễ thương này”. Bà tin đó là định mệnh, là niềm tin về một vùng đất thú vị.
“Nghề của người điên”
Thông thường, người vào rừng là những thợ sơn tràng, hoặc người đi tìm kiếm trầm, bẫy thú, làm mây, tìm kiếm lâm sản nhằm mưu sinh bám víu vào rừng một cách bất hợp pháp từ sức ép cuộc sống. Nhưng ở làng Phong Nha xã Sơn Trạch, có một đội đi rừng chuyên nghiệp, không vì những lợi ích trước mắt. Họ vào rừng chỉ với một mục đích tìm kiếm hang động. Nghề đó, nhiều lâm tặc coi họ làm “nghề của người điên”.
Nếu Hồ Khanh là người dẫn đường số 1, giúp các chuyên gia đến với hang động nổi tiếng như Thiên Đường, Sơn Đoòng thì những người khác theo chân anh đã tập hợp lại thành đội tìm kiếm hang động địa phương do chính Hồ Khanh dẫn dắt. Hồ Khanh kể: “Tụi tui vô rừng cũng vác gùi bới cơm gạo đi theo, người rừng chuyên nghiệp làm các nghề bắt bẫy thú hoặc chặt sưa, tìm trầm... họ coi bọn tui như người điên. Họ lý giải như ri, điên là do lấy cơm gạo nhà đi tìm cái không đưa lại cơm gạo cho vợ con, lấy của nhà đi làm việc bao đồng. Điên nữa, họ nói tìm hang động nổi tiếng, nhưng có đưa lại tiền bạc cho vợ con sinh sống được không, trong khi họ vô rừng là có khi kiếm được tiền trăm tiền triệu. Bọn tui nghĩ khác, họ cho mình điên việc họ. Mình cứ vô rừng, tìm càng nhiều hang động thì quê hương mình càng có tiếng trong nước với thế giới, rứa là có ích chứ sao lại nói là không. Mỗi người đóng góp mỗi sức thì hang động càng được nhiều, rứa là khách khứa đến với Phong Nha, bà con buôn bán cơm nước, hàng quán, rứa là có thu nhập, là được rồi chứ”.
Nói theo cách của Hồ Khanh dẫn dắt, đội của anh có 4 “người điên” chuyên nghiệp tìm kiếm hang động gồm cả anh Hồ Bằng Nguyên (55 tuổi), Hồ Xuân Kỳ (34 tuổi) và Đỗ Văn Hùng (32 tuổi). Hồ Khanh được đánh giá là người dẫn đường hàng đầu ở địa phương, trong khi bác Nguyên đã góp công tìm ra 15 hang động, anh Hùng tìm kiếm 2 hang, anh Kỳ tìm kiếm 6 hang động. Các hang động ấy họ đều được đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đề nghị đặt tên, hoặc tên của họ được đặt cho tên hang trong hồ sơ đoàn thám hiểm nhằm ghi công họ.
Những người tìm kiếm như đội Hồ Khanh 20 năm qua cần mẫn đi trong rừng già Kẻ Bàng với niềm đam mê bất tận là tìm kiếm gia tài hang động cho quê hương yêu dấu. Họ là những người nông dân ruộng vườn, nhưng hết mùa vụ, gác lại cày bừa, lại đóng gùi lên đường, để lại vợ con ở quê nhà mưu sinh. Những chuyến đi như thế là đằng đẵng vài tháng mới đặt chân đến các hang động chưa có dấu chân người, kinh phí họ hoàn toàn tự túc. Tìm được cửa hang, họ đánh dấu và báo lại cho ông Howard Limbert bằng thư từ.
Cứ mỗi chuyến đi, họ lại phải làm đơn xin giấy phép vào rừng ở Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Phía vườn giải thích, đó là nguyên tắc, và họ chấp nhận các nguyên tắc đó. Tuy nhiên, theo Hồ Khanh: “Nhiều khi cũng buồn lòng, bởi giấy phép được cấp mỗi 3 tháng một lần, khi làm xong giấy phép thì tới mùa vụ phải ở nhà gặt hái, xong việc lên đường thì gần hết giấy phép vô rừng. Muốn gia hạn, lại phải khai từ đầu, đối diện với các câu hỏi vô rừng vì mục đích gì, như thể chúng tôi là lâm tặc. Khổ. Chúng tôi tìm kiếm hang động cũng là để đưa về cho quê hương thêm tài sản, không hề sân si bất cứ vật gì của rừng, đó là nguyên tắc. Vào rừng có giấy phép, chắc người địa phương chỉ có những người như chúng tôi, còn người đi rừng đặt bẫy thì họ lén lút đột nhập như thường”.
Danh tiếng toàn cầu
Thật ra, những cuộc vào rừng của đội tìm kiếm hang động do Hồ Khanh dẫn dắt luôn để lại trăn trở cho gia đình. Như ông Nguyên, nhà đông con, phải vay mượn để 5 đứa con ăn học, có đứa lên đại học ông cũng cố bấm bụng đi vay nóng, nhưng khi có tin đi hang động, ông lại tất tả lên đường vì đam mê ăn sâu máu thịt.
Tuy vất vả và thầm lặng, nhưng họ có một thương hiệu danh tiếng toàn cầu trong cẩm nang các nhà thám hiểm hang động, các nhà làm phim ở Mỹ, châu Âu, Nhật... bởi họ biết các lối đi ở rừng như biết cây trồng ở góc vườn. Biết họ hoàn toàn tự nguyện, gần đây các chuyến đi của họ có đoàn thám hiểm, các trưởng đoàn đều tính chi phí cho các thành viên của Hồ Khanh. Các đoàn làm phim của các hãng truyền thông lớn quốc tế đều chú ý trả công cho họ, dù không nhiều, nhưng cũng đủ động viên họ dấn thân với các khám phá và trải nghiệm địa mạo địa chất. Từ BBC đến Kyodo, từ hãng NHK đến National Geographic từ truyền hình Brazil đến truyền hình Hồng Công... đến làm phim ở đây đều tìm đến đội của Hồ Khanh. Và tên tuổi của họ được các hãng truyền hình này vinh danh trước cả các chuyên gia khám phá, bởi đơn giản, họ là người am hiểu Kẻ Bàng.
Cũng cần nói thêm về cuộc sống của những người tìm kiếm hang động này, hiện Hồ Khanh đang vay mượn để làm căn nhà gỗ bên dòng sông Son trong vườn nhà, để khách nước ngoài sau khi đến tham quan các hang động sẽ được ở trong không khí làng quê. Vợ của anh cũng mở quán cà phê nhỏ, tiện tiếp đón những vị khách đam mê khám phá hang động muốn chụp ảnh với người dẫn đường số 1 Hồ Khanh. Còn bác Nguyên và những người khác vẫn tiếp tục ruộng vườn sau mỗi chuyến đi rừng tìm kiếm hang động. Cuộc sống của họ bình dị, nhưng thật sự đã mang lại cho quê hương di sản thiên nhiên thế giới những đóng góp không nhỏ.
Tâm sự với chúng tôi lúc chia tay, họ vẫn đau đáu một điều, rằng cần tìm kiếm thêm càng nhiều hang động càng tốt, bởi có thêm những phát hiện mới sẽ níu được nhiều du khách đến và cuộc sống của người dân chắc chắn ngày một có tương lai bền vững hơn là vào rừng săn trộm hoặc chặt trộm gỗ rừng.
| |
MINH PHONG
- 23 năm chinh phục hang động. Bài 1: Từ hang động bản địa đến hệ thống toàn cầu