3 tầng, 5 hạng

Bộ GD-ĐT mới đây đã công bố dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) để lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, ĐH Việt Nam sẽ có 3 tầng, 5 hạng. Về phân tầng, dự thảo đưa ra 3 loại: GDĐH định hướng nghiên cứu, GDĐH định hướng ứng dụng, GDĐH định hướng thực hành với các tiêu chí khác nhau. Phân tầng cơ sở GDĐH được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 10 năm. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phân tầng cơ sở GDĐH cho từng giai đoạn.

Về xếp hạng ĐH, dự thảo đưa ra 5 hạng cơ sở GDĐH từ hạng 1 đến hạng 5. Theo đó, hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất. Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng các cơ sở GDĐH.

Bộ GD-ĐT cho rằng, phân tầng cơ sở GDĐH nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH phù hợp với yêu cầu cơ cấu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc xếp hạng cơ sở GDĐH sẽ công khai, minh bạch chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH; làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế đặt hàng, đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống...

Vấn đề phân tầng, xếp hạng đã được đề cập từ lâu, được quy định trong luật GDĐH ra đời từ năm 2012. Tuy nhiên, cho đến nay sau 2 năm chuẩn bị, Bộ GD-ĐT mới đưa ra được dự thảo Nghị định để lấy ý kiến và ngay lập tức trở thành vấn đề đáng quan tâm của giáo dục. Có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc Việt Nam chưa sẵn sàng để thực hiện việc sẽ phân tầng, xếp hạng ĐH, cũng như lo ngại việc phân tầng, xếp hạng này lại thêm cơ hội cho xin - cho, “chạy hạng”, tiêu cực, bệnh thành tích trong giáo dục.

Những ý kiến đồng tình cho rằng, thực tế cho thấy, các trường đua nhau nâng cấp lên “mác ĐH” để “câu” học sinh, phần nào đó làm mất công bằng cho các em học tập ở những trường ĐH có uy tín trong bối cảnh việc tuyển dụng hiện nay vẫn còn cơ chế quen biết, “chạy việc”. Bởi vậy, cần phải phân rõ lại khái niệm và phân cấp lại hợp lý các trường ở bậc ĐH, cao đẳng. Việc phân hạng các trường ĐH theo nhiều người ban đầu sẽ gây khó khăn trong việc xin việc cho sinh viên trường hạng 4, 5, nhưng về lâu dài sẽ đẩy mạnh chất lượng đào tạo cũng như đến lúc phải xóa sổ những trường ĐH yếu kém.

Tuy nhiên, ở chiều ý kiến ngược lại, nhiều người lo ngại việc phân tầng, xếp hạng sẽ chỉ là “bệnh hình thức”, tạo cơ hội cho “chạy hạng” nếu làm không nghiêm, và chưa chắc đã tác động làm chất lượng GDĐH tốt lên. Thực tế, người học chỉ cần biết thông tin về các trường công, trường tư, học phí, chất lượng giảng dạy, giảng viên, ngành nghề phù hợp, khả năng bản thân, cơ hội việc làm, tỷ lệ ra trường làm trái ngành, thất nghiệp... Tức là những thông tin thực tế để họ lựa chọn ngành học phù hợp chứ không phải là bảng xếp hạng ĐH.

Mặt khác, đã xuất hiện những ý kiến lo ngại khi có bảng xếp hạng, sinh viên những trường hạng 4, 5 sẽ rất khó xin việc khi ra trường. Lúc đó, để có “hạng” đẹp, khó tránh khỏi chuyện “chạy hạng”, dẫn đến bệnh thành tích, tiêu cực...

Những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống GDĐH Việt Nam vẫn trong tình trạng rất khó phân định rõ các tiêu chí để phân tầng, xếp hạng. Hệ thống các trung tâm kiểm định giáo dục độc lập cũng gần như chưa đi vào hoạt động. Tức là điều kiện sẵn sàng cho việc phân tầng, xếp hạng là chưa có. Ngoài ra, các tiêu chí để phân tầng, xếp hạng mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo Nghị định cũng chưa rõ ràng, thậm chí còn gây hoài nghi.

Đơn cử như tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất để xếp hạng các ĐH là chất lượng sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chưa được định rõ. Trong khi đó, tiêu chí có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ để tiến hành phân tầng, xếp hạng ĐH chưa chắc đã là quan trọng, vì trong số đó, có bao nhiêu “tiến sĩ giấy”?

Dự thảo Nghị định chắc chắn còn qua nhiều đợt lấy ý kiến mới hoàn thiện. Tuy nhiên có thể thấy điều mà dư luận đang quan tâm là hiệu quả thực chất của việc phân tầng, xếp hạng này. Liệu có tạo đột phá cho GDĐH Việt Nam, hay chỉ là một kiểu hình thức mới? Ai sẽ là “Bao Công” để thực hiện việc phân tầng, xếp hạng ĐH công tâm, vì lợi ích chung?

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục