Khi số gỗ lim ngoài tự nhiên cạn kiệt, rừng bị tàn phá nhiều nơi thì ở phía Tây tỉnh Quảng Bình có 2 người bảo tồn 2 rừng lim xuyên thế kỷ. Một người là cựu binh Đinh Xuân Niệm (77 tuổi, ở bản Hà, Thanh Hóa, Tuyên Hóa) và người kia là Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Nguyễn Tư Thoan. Họ bảo vệ lim, trồng lim giữa muôn trùng lâm tặc dòm ngó, để bây giờ nơi đây trở thành rừng lim lớn nhất Việt Nam.
Rừng lim thuần chủng
Hơn 30 năm trước, xã Thanh Hóa là trung tâm “đổ bộ” của lâm tặc bởi trữ lượng gỗ quý ở vùng này rất lớn, đặc biệt gỗ lim. Nhận thấy nếu cứ để những cây lim từ đường kính như cái bát đến vài người ôm bị đốn hạ mỗi ngày thì rừng xanh sẽ thành đồi trọc, ông Đinh Xuân Niệm cùng với vợ con đi kiếm cây lim nhỏ mới mọc về trồng ở hơn 5ha đất gần nhà.
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, ông Niệm bắt đầu đưa lim giống về vườn nhà gầy dựng, còn những gốc lim trong vườn tự nhiên, ông giữ lại bảo tồn. Đến nay, hàng ngàn cây lim đã ken dày trong khu rừng hơn 5ha của gia đình ông.
Giữa rừng lim của ông Nguyễn Tư Thoan
Chạm tay vào một cây lim đường kính to hơn nồi cơm điện, ông Niệm hớn hở khoe: Gia đình hiện có cả mấy ngàn cây lim to bằng chừng ni, chúng đều trên dưới 30 năm tuổi cả. Lim mọc tự nhiên có, trồng thêm có. Riêng những cây lim mới trồng và to bằng bắp chân trở lên thì nhà có gần cả ngàn cây. Tiếp tục dẫn chúng tôi đến một khu rừng dày đặc cây trầm dó, ông Niệm kể, nhà có khoảng 2.000 cây trầm, hầu hết trên 20 năm, kích cỡ cây lớn nhất cũng gấp 2 - 3 lần cái phích nước. Cách đây tròn 2 năm, nhờ bán đi chừng 1.000 cây dó, thu về hơn 200 triệu đồng, ông lại đầu tư trồng lim.
Tán lim của Bí thư xã
Không biết có mấy ai làm Bí thư xã như ông Nguyễn Tư Thoan lại kiên trì bảo vệ rừng lim từ ngày còn làm Bí thư đoàn xã. Đấy là khu rừng khoanh nuôi khi ông Thoan còn trẻ, thấy rừng núi đầy lim mà lâm tặc vào chặt trộm mỗi ngày khiến chúng dần cạn kiệt và có nguy cơ biến mất, ông Thoan xin xã bảo vệ tự nguyện, không cần kinh phí nhà nước, không xin bất cứ nguồn lực nào. Chỗ rừng lim sót lại của xã sát khu dân cư, lại là vùng trung tâm nên ngoài giờ làm phong trào thì tối về ông Thoan ra lán mắc võng ngủ canh chừng lâm tặc đốn lim. Đằng đẵng gần 30 năm nay, rừng lim của anh Bí thư đoàn xã đã tốt xanh; giờ đây là Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Tư Thoan nhìn lại: “Thật gian nan, lúc đó tôi không nghĩ có ngày rừng lim này được an toàn. Hồi đó thanh niên ở xã đi kiếm người yêu, còn tôi cứ bám lấy rừng lim khoanh nuôi hơn 3ha như báu vật cuối cùng ở rẻo cao”.
Ông Thoan mời chúng tôi ra khu rừng để tham quan. Cơ man nào là gỗ lim giữa bát ngát màu xanh thẫm đến cây cổ thụ cao ngất, ông nói: “Hai chú nắm tay thử ôm xuể cây này không?”. Cả hai chúng tôi dù rướn hết mình nhưng cũng không thể ôm hết thân cây. Ông Thoan cười: “Đây là cây gỗ lim lớn nhất ở đây. Để có được đường kính như thế này, chí ít cây cũng cần tới cả vài trăm năm phát triển. Ngoài cây lim này thì khu vườn còn có nhiều cây lim khác với đường kính chừng 0,5m. Nếu tính những cây lim có đường kính bằng cổ tay thì toàn khu vườn này có cả ngàn cây, đó là chưa kể số lượng lim con mới trồng và nhiều cây gỗ quý khác như vàng tâm, sến, gõ... Nhờ có rừng lim được ông Thoan bảo vệ, nay chim chóc, động vật rừng đã kéo về ngày mỗi đông.
Vượt qua mọi cám dỗ
Hai rừng lim của ông Niệm, ông Thoan nếu tính thành tiền lên đến cả trăm tỷ đồng về hiện vật gỗ, nhưng các nhà bảo tồn tự nhiên đánh giá chúng lên đến hàng trăm tỷ đồng khi truyền lại cho hậu thế với các giá trị tự nhiên, tạo ra dưỡng khí, vùng xanh cho dân cư xung quanh, cũng như giá trị cảnh quan đặc biệt cho các loài động vật sinh tồn được an toàn. Nếu hai rừng lim này tồn tại hàng trăm năm sau, giá trị của nó còn lớn hơn bởi đây là thực thể xanh tái tạo nghiêm túc trong thế giới hiện đại, sự quan trọng của nó sẽ dần chứng minh cho cư dân trong vùng và nhiều người nơi khác tìm đến để trải nghiệm, thưởng ngoạn, nghiên cứu...
Một góc rừng lim của ông Đinh Xuân Niệm
Thế nhưng, để có hai rừng lim như thế, ông Niệm và Bí thư Thoan đã phải vượt qua vô số cám dỗ từ giới lâm tặc, đầu nậu gỗ. Ông Niệm tâm sự: “Có nhiều năm, bọn lâm tặc vùng khác đến dòm ngó, chúng tính chặt trộm, cha con tôi phải ngày đêm canh gác cẩn mật. Trộm không được, chúng bày kế mời cha con tôi đi chơi thật xa, nhưng nhờ cảnh giác nên đi đâu, làm gì tôi cũng phân công có người gác giữ rừng lim nên chúng không thể xâm nhập được”. Không lừa được, cả nhóm lâm tặc hùn tiền lại rồi đến nhà ông đặt vần đề mua lại đất và rừng lim trên đó với số tiền lên đến vài tỷ đồng (giá từ chục năm trước, rất lớn) nhưng ông Niệm đã từ chối. “Tôi thề độc rồi, phải giữ lại rừng lim cho cả làng, cả xã; giữ lại lim để giữ mạch sống núi rừng nơi đây, không bán dù có túng thiếu đến thế nào”, ông Niệm bày tỏ sự cương quyết.
Còn Bí thư Thoan kể: “Lâm tặc hết lập mưu này, mẹo kia để “cưa” cho được rừng lim nhưng tôi nhất quyết không bán mình. Hết phỉnh nịnh, dọa nạt, chặn đường, rồi đe dọa vợ con tôi không thành, chúng còn tung tin tôi lợi dụng chức quyền làm cán bộ xã, độc quyền bảo tồn rừng lim để lấy gỗ lim làm nhà riêng chứ không phải vì việc chung. Huyện cử cán bộ vào cuộc xác minh, tất cả chỉ là hoang tin”. Đến bây giờ, rừng lim vẫn tồn tại, xanh mướt, thân lim từ nhỏ đến cổ thụ đều chắc nịch vươn vai hùng vĩ. Người dân địa phương từ chỗ nghĩ những người như thế lẩn thẩn thì nay họ đã hiệp lực cùng chung tay cảnh giác, bởi đó là môi trường xanh tốt nhất để có không khí trong lành. Cả hai người cười vui, họ đã vượt qua bao gian khó.
Minh Phong