36 năm không phải quá dài nhưng là cả cuộc đời làm nghề giáo đối với những kỹ sư tâm hồn đã gắn bó với nghiệp trồng người tại ngôi trường mang tên Dự bị Đại học TPHCM. Có những người thầy mới ngày nào hãy còn tuổi đôi mươi, giờ tóc đã bạc trắng và qua bao năm tháng, họ đã âm thầm bắc nhịp cầu tri thức cho hàng vạn học trò từ những người lính trẻ vừa rời tay súng, anh thương binh đã để lại một phần xương máu nơi trận mạc, những đứa con của các liệt sĩ cho đến những con em của các dân tộc thiểu số... để họ mở toang cánh cửa vào giảng đường đại học.
Những khóa học đầu tiên
Sau khi tiếp quản Viện ĐH Cộng đồng Tiền Giang năm 1976, Bộ Đại học và THCN (nay là Bộ GD-ĐT) chỉ đạo ngoài việc đảm bảo công tác giảng dạy cho số sinh viên cũ, trường phải mở ngay hệ dự bị đại học nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho miền Nam trong những năm đầu sau giải phóng. Ngay lập tức, khóa học đầu tiên có 1.490 học viên gồm bộ đội phục viên - xuất ngũ, cán bộ biệt động thành, con em của những cơ sở cách mạng.
Nhưng khi triển khai kế hoạch giảng dạy, nhiều giáo viên lúng túng trước vấn đề “2 không”: thứ nhất, không biết dạy theo giáo trình nào, trong khi chỉ 4 tháng nữa là đến ngày thi; thứ hai, các học viên theo cách mạng lại quên hết bài vở thì làm sao có thể thi đạt kết quả.
Thế nhưng thật bất ngờ, sau 4 tháng bắt đầu từ “2 không”, thầy và trò đã nỗ lực hết mình và có đến 995 học viên đạt điểm vào đại học. Và cho đến bây giờ, người hiệu trưởng đầu tiên của trường, TS Nguyễn Văn Năm, thổ lộ rằng: “Đúng là tôi lúng túng trước 2 vấn đề khó khăn trên vì ngoài Bắc lúc ấy không có hệ dự bị đại học và cũng không có giáo trình giảng dạy. Nhưng rõ ràng với sự đoàn kết, nhiệt tình của những giáo viên cộng với tinh thần cách mạng của những học viên đã bao phen đương đầu với khó khăn, ngay cả trước cái chết họ cũng không sợ thì sá gì không thể thành công trong việc học”. Với tinh thần ấy, hàng năm trường đã tiếp nhận từ 1.500 – 2.000 học viên và chuyển tiếp vào các trường đại học với hơn 11.500 sinh viên.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đào tạo nhân lực tái thiết đất nước, đến năm 1991, Trường Dự bị ĐH TPHCM tiếp tục đảm nhận trọng trách đào tạo dự bị đại học cho con em người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương chính sách phát triển kinh tế, xã hội miền núi”.
Mới ngày nào về nhận nhiệm sở còn đầy bỡ ngỡ, cử nhân Nguyễn Thanh Sơn (nay là Hiệu trưởng nhà trường) với tấm bằng loại ưu ngành Vật lý năm nào nay tóc đã lớm chớm bạc, nhớ lại: “Cái khó nhất của hệ dự bị đại học cho con em dân tộc thiểu số là làm sao để chuyển tải được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc. Và để làm được điều này, hàng năm nhiều thầy cô giáo cùng lãnh đạo của trường phải đến tận nơi đồng bào sinh sống để giải thích, vận động đưa con em đi học”.
Nhớ lại những ngày đầu vượt đèo, lội suối để vận động các em học sinh dân tộc đi học, Th.S Dương Công Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Từ chỗ chỉ có 58 học viên, đến nay mỗi năm trường đã được bộ giao từ 600 - 750 chỉ tiêu. Và khi chủ trương lan tỏa đến với đồng bào dân tộc thiểu số đã thật sự tạo được động lực học tập mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Nhờ vậy đến nay trường đã tiếp nhận đào tạo cho hơn 6.000 học viên, trong đó có hơn 5.500 học viên vào đại học, số còn lại được vào hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Rạng rỡ những niềm vui
Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng phải giải thể nhưng với nhiệt huyết yêu nghề, tập thể giáo viên và lãnh đạo nhà trường đã từng bước vượt qua những khúc cua ngặt nghèo để đưa trường từng bước vững mạnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.
Một điều đáng mừng là trong số hàng ngàn sinh viên xuất thân từ Trường Dự bị ĐH TPHCM, sau khi ra trường họ đều về địa phương là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đã làm cho cuộc sống nơi đây thay da đổi thịt, góp phần làm cho quê hương ngày một tươi đẹp.
Nhớ lại những ngày còn là học viên của trường, anh Đào Văn Cường (người Châu Ro, Bà Rịa - Vũng Tàu) xúc động: “Nếu không có chủ trương của Nhà nước có lẽ tôi cũng như nhiều bạn dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác sẽ không thể tiếp tục con đường học vấn. Trường Dự bị ĐH TPHCM đã cho tôi cơ hội để vào Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) và nhờ đó tôi có được một động lực rất lớn để hoàn tất bằng cử nhân tiếng Anh và cử nhân luật”.
Thượng tọa - Th.S-KTS Danh Lung, Phó ban Văn hóa TƯ Giáo hội Phật giáo VN, chia sẻ: “Thay lời cho hàng ngàn cựu sinh viên là chư tăng và con em đồng bào các dân tộc thiểu số xin gởi đến quý thầy cô lời tri ân sâu sắc. Nhiều thế hệ học viên của nhà trường đã trưởng thành và chúng tôi đã vận dụng kiến thức, trí tuệ của mình tham gia xây dựng Tổ quốc. Tốt nghiệp THPT, chúng tôi bước chân vào Trường Dự bị ĐH, nơi chấp cánh những ước mơ cho con em đồng bào các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới với bao khó khăn nhưng Nhà nước vẫn dành những khoản ưu tiên đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó chúng tôi luôn được sống trong mái trường tràn ngập tình yêu thương của bạn bè, cùng với sự quan tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu của tập thể ban giám hiệu nhà trường đã hun đúc và tôi luyện chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách từ đó trang bị hành trang vững chắc vào đời”.
Và từ nguồn cảm hứng ấy, những hạt giống nảy nở ngay tại Trường Dự bị ĐH TPHCM đã định hình nhân cách và lý tưởng cao cả để ngày hôm nay bao thế hệ học viên đã và đang tiếp bước các thầy cô trong sự nghiệp trồng người. Dù ở vai trò nào, vị trí nào, với hành trang và tình thương mà họ đã nhận được từ ngôi trường này sẽ giúp họ hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Thanh Hùng