Đó là thống kê mới nhất mà Ban tổ chức chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh do Ủy ban nhân dân TPHCM chủ trì vừa công bố sau khi kết thúc tháng kích cầu tiêu dùng xanh. Dự án kích cầu tiêu dùng xanh là một trong chuỗi hệ thống các dự án nhằm khuyến khích cộng đồng hướng đến ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm xanh
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, tương ứng với số lượng người tham gia hưởng ứng tiêu dùng xanh, trong toàn hệ thống siêu thị, mức tiêu thụ sản phẩm xanh cũng đã tăng 10,2%. Về phía hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại nhằm góp phần tăng sức hút cho sản phẩm xanh. Trong đợt này, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đã phát tặng 230.000 túi Môi trường xanh cho khách hàng có hóa đơn mua hàng 300.000 đồng trở lên và có sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tham gia. Không dừng lại đó, để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, cuộc thi với chủ đề “Chúng em bảo vệ môi trường xanh” lần đầu tiên được tổ chức và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bé từ 8-12 tuổi với hơn 1.170 bài dự thi được gửi về. Được biết, những tranh vẽ của bé sẽ được in ấn trên túi môi trường xanh và sẽ phát tặng lại cho người dân ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh.
Trước đó, nhiều dự án nhằm thu hút cộng đồng hưởng ứng chiến dịch tiêu dùng xanh đã được diễn ra. Cụ thể, dự án khu phố xanh, cộng đồng xanh, tôi yêu sản phẩm xanh… Với dự án Khu phố xanh, người dân sẽ được áp dụng hình thức thu đổi rác vô cơ nhận quà là sản phẩm xanh. Để có thể thực hiện dự án này, Ban tổ chức cùng với hơn 1.000 tình nguyện viên đã làm việc liên tục với hơn 3.000 hộ gia đình để hướng dẫn người dân kỹ thuật phân loại rác tại nguồn. Sau đó, với lượng rác vô cơ và hữu cơ được phân loại, người dân sẽ chuyển giao lại cho đơn vị thu gom theo một thời gian biểu phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân. Quà tặng sản phẩm xanh dành cho người dân phụ thuộc vào lượng rác vô vơ mà người dân chuyển giao. Còn với dự án Cộng đồng xanh, người dân sẽ được thực hiện đổi rác vô cơ nhận sản phẩm xanh tương ứng ngay tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Riêng với dự án Tôi yêu sản phẩm xanh, người dân sẽ được lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn tái chế rác thải thành những sản phẩm handmade. Việc thực hiện hành động này nhằm giúp người dân hiểu hơn lợi ích của rác thải. Rác thải hoàn toàn có thể là nguồn nguyên liệu sản xuất cho những sản phẩm khác chứ hoàn toàn không phải là những thứ có hại, cần phải vứt bỏ.
Nhân rộng dự án xanh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Theo ban tổ chức, trong thời gian tới để duy trì và phát huy kết quả đạt được trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân theo hướng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh – sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ban tổ chức chiến dịch sẽ mở rộng mô hình khu phố xanh và Cộng đồng xanh. Tại đó, các hộ gia đình ngoài việc ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh sẽ đồng thực hiện hành động xanh là phân loại và chuyển giao rác tại nguồn. Lượng rác thải vô cơ người dân chuyển giao cho đơn vị thu gom cũng sẽ được quy đổi thành sản phẩm xanh phục vụ nhu cầu thiết yếu sinh hoạt gia đình. Riêng lượng rác thải vô cơ sau khi được chuyển giao, ban tổ chức sẽ tiếp tục tái chế thành những sản phẩm có lợi cho xã hội. Cụ thể, sẽ tái chế rác thải vô cơ thành Tấm lợp sinh thái và dầu diesel sinh học. Với sản phẩm là tấm lợp sinh thái, ban tổ chức sẽ sử dụng để hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất cho những trường học nghèo trên địa bàn thành phố. Còn với dầu diesel sinh học sẽ bán để gầy quỹ hỗ trợ cho những bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y do phải sống chung và tiếp xúc với môi trường sống bị ô nhiễm.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học quốc gia TPHCM cho biết, Tổng khối lượng chất thải rắn (CTR) đô thị phát sinh vào khoảng 8.700 - 8.900 tấn/ngày. Trong đó, CTR xây dựng (xà bần) chiếm khoảng 1.200 - 1.500 tấn/ngày và CTR sinh hoạt trung bình từ 6.200 - 6.700 tấn/ngày. Ước tính tỷ lệ gia tăng khoảng 8 - 10%/năm. Trong đó, lượng CTR đô thị phát sinh chủ yếu tập trung ở hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM: lượng chất thải rắn sinh hoạt ở TP.HCM khoảng 7.081 tấn/ngày, Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày (TCMT, 2011). Phương pháp xử lý CTR sinh hoạt tại các đô thị từ loại IV trở lên trong 6 vùng kinh tế nước ta đang sử dụng chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Hầu hết mỗi đô thị đều có một bãi chôn lấp CTR sinh hoạt, tại các đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đều có 2 – 5 bãi chôn lấp/khu xử lý CTR. Các phương thức chôn lấp CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh 82/98,
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm. Cụ thể, năm 2007 là gần 4 tỷ đô la trên tổng sản phẩm nội địa 71 tỷ đô la; năm 2008 tăng lên 4,2 tỷ đô la trên tổng sản phẩm nội địa 76 tỷ đô la. Ngoài khoản thiệt hại chung như trên, hằng năm, Việt Nam còn phải chi ra 780 triệu đô la cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng. Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm khiến cho cả người bệnh và người chăm sóc giảm 20% thu nhập. Bên cạnh đó, hàng năm ngân sách của các địa phương phải chi trả một khoản khá lớn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Chi phí xử lý CTR tuỳ thuộc vào công nghệ xử lý: Mức chi phí xử lý cho công nghệ hợp vệ sinh là 115.000 đ/tấn - 142.000 đ/tấn và chi phí chôn lấp hợp vệ sinh có tính đến thu hồi vốn đầu tư 219.000 - 286.000 đ/tấn (TP.HCM tổng chi phí hàng năm cho thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt khoảng 1.200 - 1.500 tỷ VNĐ). Chi phí xử lý đối với công nghệ xử lý rác thành phân vi sinh khoảng 150.000 đ/tấn - 290.000 đ/tấn (TP.HCM 240.000 đ/tấn; thành phố Huế đang đề nghị 230.000đ/tấn; thành phố Thái Bình 190.000 đ/tấn, Bình Dương 179.000 đ/tấn). Chi phí đối với công nghệ chế biến rác thành viên đốt được ước tính khoảng 230.000 đ/tấn - 270.000 đ/tấn.
Do vậy, những giải pháp nhằm tăng lượng rác thải tái chế, giảm lượng rác thải phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp như Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh đã và đang thực hiện là hết sức cần thiết cần duy trì và triển khai lâu dài. Có như vậy mới mong tạo dựng môi trường xanh, sạch và bền vững.
Phúc Anh