5 năm “đồng hành và chia sẻ”

Công ty CP phân bón Bình Điền và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ vừa tổ chức Gala kỷ niệm 5 năm phát hình trực tiếp chương trình “Đồng hành và chia sẻ”- chương trình khoa giáo đầu tiên và duy nhất tại đồng bằng sông Cửu Long bàn về dinh dưỡng cho cây trồng.
5 năm “đồng hành và chia sẻ”

Công ty CP phân bón Bình Điền và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ vừa tổ chức Gala kỷ niệm 5 năm phát hình trực tiếp chương trình “Đồng hành và chia sẻ”- chương trình khoa giáo đầu tiên và duy nhất tại đồng bằng sông Cửu Long bàn về dinh dưỡng cho cây trồng.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện, trường ở trung ương và địa phương, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đất, phân bón… cùng 200 nông dân tiêu biểu tại các tỉnh Nam bộ đã về dự đêm gala.

Những con số ấn tượng

Mỗi tháng phát hình 2 số, thời lượng 60 phút/số, vào lúc 20 giờ Chủ nhật tuần giữa và cuối tháng; 5 năm qua, chương trình đã phát sóng trực tiếp được 130 số. Tổng cộng đã có 7.000 cuộc điện thoại đặt câu hỏi của nông dân khắp vùng. 1.600 câu hỏi được các chuyên gia trả lời trực tiếp, còn lại các nhà khoa học lần lượt trả lời bà con qua thư, điện thoại. Số người tham gia hỏi ngày càng đông, các chuyên gia của chương trình thường phải làm việc “quá tải”, phải sử dụng ngày thứ 7, Chủ nhật và cả ngày nghỉ, ngày lễ Tết để trả lời bà con, cho kịp thời vụ.

Cùng với đồng hành là chia sẻ, chương trình đã đến với những gia đình nông dân nghèo khó, những mảnh đời cơ nhỡ, hoạn nạn, những em học sinh, sinh viên con nhà nghèo hiếu học… với 35 căn nhà “Mái ấm Bình Điền”, hàng trăm suất học bổng, hàng trăm phần quà thiết thực, trị giá nhiều tỷ đồng.

Từ VTV Cần Thơ, chương trình lan tỏa ra hầu khắp các đài PTTH khu vực miền Đông Nam bộ và Tây nguyên. Nhiều đài địa phương đã phát hình được gần 20 số. Chứng tỏ chương trình đã có sức sống.

Những lời khen ngợi

Giao lưu với nông dân, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết “đây là nét đặc sắc của VTV Cần Thơ tại đồng bằng sông Cửu Long. Nó luôn bám sát chủ trương của Bộ về tổ chức sản xuất theo GAP, cánh đồng mẫu lớn; về không ngừng nâng cao chất lượng nông sản và sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Rất bổ ích với nhà nông bởi những thông tin cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp.

Rất thiết thực bởi cách thức chuyển giao một cách phổ thông, bình dân, kể cả việc giới thiệu những tiến bộ khoa học về phân bón, với những sản phẩm cụ thể không chỉ ở Việt Nam, mà cả các nước trong khu vực vẫn chưa có, như các sản phẩm NPK, DAP, đạm vàng… có chứa các hoạt chất giúp giảm thất thoát đạm (Agrotain), tăng hiệu quả sử dụng lân (Avail) cho cây trồng mà Bình Điền là doanh nghiệp phân bón tiên phong nhận chuyển giao từ nước ngoài.”

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường Đại học Cần Thơ) - một chuyên gia của chương trình, nói: “Chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức quản lý dinh dưỡng cây trồng, không chỉ cho nông dân mà cho cả cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở địa phương và sinh viên đang theo học tại các trường nông nghiệp. Qua chương trình người dân biết thế nào là chất đa, trung, vi lượng, vai trò của nó trong sự phát triển của cây trồng.

Mỗi số phát hình đều có sự cập nhật, cũng như chuyển giao kiến thức kỹ thuật cho nhà nông, như: “Sinh lý dinh dưỡng cây trồng”, “Ngộ độc trên cây lúa”, “Sử dụng phân bón hiệu quả nhất”… Rồi biết được cách “chẩn” bệnh cho cây để kịp thời bổ sung dinh dưỡng, không thiếu, cũng không thừa, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.”

5 năm, 130 số phát hình, có người coi được già nửa, hai phần ba, có người, như ông Lê Thành Lễ, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng theo dõi chương trình không sót số nào, ông bảo: “Coi ti vi rồi bón phân cho cây trồng đúng cách, tiết kiệm được chi phí mà năng suất cây trồng lại cao, tức tăng được lợi nhuận.”

Khác ông Lễ, ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang, nhà trồng 2 ha lúa, 1 ha rau màu, tuy là lao động chính, nhưng ông Dũng lại say mê sáng chế máy nông cụ, như máy rải phân… nên không có thời gian theo dõi hết các số phát hình, ông chọn cách nắm chắc thông báo nội dung từng số trên Website của VTV Cần Thơ và của Bình Điền, từ đó chọn số nào cần thiết với mình thì đón xem, chuẩn bị kỹ câu hỏi, ghi chép, ghi âm cẩn thận tư vấn của chuyên gia làm tài liệu, xây dựng thành quy trình bón phân cho cây trồng nhà mình. Rất hiệu quả.”

Đa số các khách mời nông dân đều thấy chương trình bổ ích và hấp dẫn bởi ngoài chuyển giao khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng cây trồng, còn là nơi cho nông dân được thi thố tài năng, trước đây là “Nhà nông thư giãn”, nay nâng lên “Tài năng nhà nông”. Trước chỉ thi tài trong lĩnh vực văn nghệ, thì nay nâng lên cho cả các sáng chế, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

Tại Gala kỷ niệm 5 năm này, Ban tổ chức đã trao 16 giải khuyến khích, 2 giải B và 1 giải A. Giải A, tặng kèm 8 triệu đồng, cho sáng chế máy phun thuốc BVTV điều khiển từ xa, của nông dân Nguyễn Hoàng Tuấn, ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang.

Nhà đài và nhà khoa học gặp nhau

Ông Nguyễn Trường Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình VN tại Cần Thơ, cho biết: “Ban tổ chức luôn suy nghĩ làm sao để các nhà khoa học đến được gần hơn nữa với công việc ruộng vườn cụ thể hàng ngày của bà con nông dân. Làm sao để chương trình thật bổ ích, thiết thực, nhưng lại phải hấp dẫn, lôi cuốn người xem”

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ thành thật: “Bà con hỏi liều lượng phân bón đón đòng cho cây lúa, mình ngồi ở đài, trả lời theo sách thì quá dễ, nhưng nếu được tận tay cầm, tận mắt coi cây lúa, từ lá, thân, đến rễ thì sẽ tư vấn bà con bón đúng liều lượng hơn, hiệu quả vì vậy đạt được sẽ cao hơn.”

Từ trăn trở của Ban tổ chức và các nhà khoa học, một mục mới trên chương trình đã được xây dựng, chuẩn bị ra mắt, đó là mục: “Từ ruộng vườn đến trường quay”. Nội dung là nhà khoa học có mặt tại ruộng, ít nhất 4 lần /1 vụ để xem đất, xem cây, xem nước mà tư vấn trực tiếp cho nông dân chăm sóc cây trồng. Hình ảnh được đưa về trường quay để nhà nông các nơi cùng rút ra những điều bổ ích và thiết thực cho mình để bón phân trên ruộng mình đúng cách nhất.

Nhà tài trợ tiếp tục đồng hành

Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP phân bón Bình Điền, nhà tài trợ, nói: Chương trình “đứng” được suốt 5 năm qua và sẽ còn tiếp tục dài dài là công lao của các nhà khoa học và bà con nông dân. Chính bà con nông dân tin tưởng, gửi về chương trình mỗi số hàng trăm câu hỏi, từ đó mà ban tổ chức thấy được nhu cầu cần chuyển giao kỹ thuật giữa nhà khoa học và nhà nông. Bình Điền làm chiếc cầu nối thông qua đài truyền hình.”

Cũng theo ông Phong “Để hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân, từ vụ đông xuân tới đây, chúng tôi sẽ chọn mỗi tỉnh 5 nông dân, mỗi người canh tác trên diện tích 0,5ha để hỗ trợ 100% giống, phân bón; đồng thời có cán bộ kỹ thuật  theo sát quá trình sản xuất, từ khi sạ, đến thu hoạch. Cuối vụ sẽ sơ kết, đánh giá hiệu quả sản xuất để rút kinh nghiệm, phổ biến rộng ra từ những mô hình sản xuất hiệu quả nhất.

Mục mới “Từ ruộng vườn đến trường quay” của chương trình “Đồng hành và chia sẻ” sẽ bám sát và phản ánh kịp thời những cái tốt, cái được của mô hình tới tất cả bà con nông dân. Bình Điền rất tâm đắc và sẽ tiếp tục cùng đồng hành với chương trình.”

 TRẦN ĐÌNH THẾ

Tin cùng chuyên mục