
Cuối tháng 9 này là hạn chót nhận đơn tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm: con người sẽ phản ứng thế nào trong hành trình dài và khó khăn lên sao Hỏa? Đến tháng 12 tới, sẽ xác định những người được chọn và thí nghiệm bắt đầu từ năm 2008.
Con tàu độc hành
Cuộc thí nghiệm của các nhà khoa học Nga dự tính đưa 6 người tình nguyện vào sống trong một “tàu vũ trụ”, một môi trường kín ở Moscow, để tìm hiểu cách con người phản ứng trong hành trình dài lên Hành tinh Đỏ, trong sự cô độc tột cùng. Nga hy vọng trong 30 năm nữa sẽ đưa người đầu tiên đến sao Hỏa, nên trong 6 người tình nguyện sẽ có 4 người Nga và 2 người nước ngoài.

Mô hình “tàu vũ trụ”
Cục Không gian châu Âu (ESA) là nơi cùng Viện Y sinh (IBMP) ở Moscow thực hiện thí nghiệm. Nhóm tình nguyện sẽ bị nhốt kín trong mô hình “tàu vũ trụ” suốt 520 ngày. Chương trình thí nghiệm chuyến bay có người lên sao Hỏa được tính toán “y như thật”: lượt đi mất 250 ngày, thêm 30 ngày đổ bộ, tạm trú và nghiên cứu trên mặt bằng đá cát khô cằn của sao Hỏa (thời điểm duy nhất nhóm tình nguyện được ra khỏi “tàu vũ trụ), sau đó lên tàu trở về trái đất, mất 240 ngày.
Mô hình “tàu vũ trụ” không có ánh sáng ban ngày và không khí lọt qua bức tường bằng nhôm. Có 18 camera theo dõi từng hoạt động của nhóm người tình nguyện, từng cuộc nói chuyện, bàn luận của họ. Các nhà tâm lý học hy vọng chọn được ứng cử viên chịu đựng giỏi nhất cuộc sống trong môi trường khép kín này. Một khi cửa “tàu vũ trụ” dày 20cm đóng lại, 6 nhà du hành vũ trụ tương lai sẽ chỉ còn trông cậy vào nhau. Họ phải tự giải quyết mọi chuyện trong “tàu vũ trụ”, vì sứ mệnh lên sao Hỏa (lúc cách xa trái đất nhất là 400 triệu km) sẽ không có sự hỗ trợ nào từ bộ chỉ huy ở trái đất. Hành trình càng xa thì liên lạc càng khó khăn, không như Trạm Không gian quốc tế (ISS) chỉ cách trái đất 350km. Một cuộc gọi khẩn SOS từ “tàu vũ trụ” mất đến 20 phút mới đến bộ chỉ huy và thêm 20 phút nữa họ mới nhận được hồi âm...
Chuyện ăn uống là một... vấn nạn. Mỗi gram thức ăn đóng gói đều được tính toán kỹ để vào kho trên “tàu vũ trụ”. Nếu ai muốn uống 2 tách cà phê/ngày thì chắc chắn có người phải nhịn. Họ phải trồng rau trên đất thật trong một nhà kính. Họ không được phép ăn các món qua nấu nướng. Nước tiểu cũng được tái xử lý để... uống. Bù lại, mỗi nhà phi hành sẽ được “đền bù” 120 euro/ngày cho việc trong một năm rưỡi phải hít thở “không khí tàu vũ trụ” đã qua xử lý hóa chất.
Tâm lý - Thử nghiệm quan trọng nhất
Theo thông tin của tờ Spiegel, đã có 5.000 người, cả nam lẫn nữ, từ 45 quốc gia, nộp đơn cho ESA. Nhà nghiên cứu Marc Heppener của ESA cho rằng, 2 suất người nước ngoài có nhiều cơ may thuộc về người Đông Đức cũ, do một trong những tiêu chuẩn là thạo cả tiếng Nga và Anh. Các tiêu chuẩn khác là tốt nghiệp kỹ sư hoặc có bằng đại học y sinh.
Spiegel cũng nêu Sergey Ryazanski sẽ là một người tình nguyện được chọn. Chàng thanh niên Nga, 32 tuổi, mắt xanh, có vóc dáng một nhà thể thao này đã vượt qua những cuộc kiểm tra độ bền tâm lý và sức khỏe. Hai năm trước, anh tốt nghiệp một khóa đào tạo nhà du hành vũ trụ. Ryazanski – có ông nội từng giúp chế tạo những mẫu tên lửa đầu tiên của Liên Xô cũ – nói, từ khóa đào tạo, anh hiểu rõ những điều kiện khắc nghiệt sẽ tác động mạnh đến sức khỏe tâm lý của nhà du hành vũ trụ: “Bị nhốt cùng 5 người khác, cả nhóm sẽ oằn vai vì nhiều vấn đề”.
Đó cũng chính là mục tiêu nghiên cứu của IBMP. Anatoly Grigoryev, giám đốc IBMP lưu ý, thử nghiệm tâm lý rất quan trọng, vì 8 năm trước Nga từng thử nghiệm một chương trình ngắn hơn, chỉ 6 tháng “sống trong vũ trụ” nhưng không êm xuôi vì một người tình nguyện Nhật Bản bỏ cuộc do không chịu nổi một bạn đồng hành Nga: nhân dịp mừng tết năm mới, họ được uống rượu và anh Nga đấm chàng Nhật chảy máu mũi. Còn có tin trưởng nhóm định... hôn một đồng hành nữ người Canada. Sau này cô kể: “Từ vụ đó, khi vào cabin ngủ tôi đều thủ con dao”....
TRẦN TRÍ (theo Spiegel)