62 năm chiến thắng phát xít Đức - những câu chuyện phía sau cuộc chiến

Bài 4: Những ngày cuối cùng của Hitler
62 năm chiến thắng phát xít Đức - những câu chuyện phía sau cuộc chiến

Bài 4: Những ngày cuối cùng của Hitler

Traudl Junge là nữ thư ký cuối cùng của tên trùm phát xít Hitler. Trước khi tự sát, Hitler đã đọc bản di thư do chính bà ghi chép. 57 năm sau ngày Hitler tự sát, cuốn hồi ký do bà viết từ năm 1947 có tên “Until the final hour” (Đến giờ phút cuối cùng) đã được xuất bản. Xin giới thiệu một số đoạn trong cuốn hồi ký viết về những ngày tháng cuối cùng của Hitler.

  • Vị chủ nhân hai mặt
62 năm chiến thắng phát xít Đức - những câu chuyện phía sau cuộc chiến ảnh 1

Cuốn hồi ký “Until The Final Hour” của Traudl Junge

Trong tổng hành dinh của mình, Hitler sống một cuộc đời hai mặt. Một mặt, ông ta giống như một vị chủ nhân lịch thiệp đang nghỉ ngơi trong căn nhà ở ngoại ô của mình. Mặt khác, ông ta lại là một lãnh tụ quốc gia, một tổng chỉ huy quân đội. Hitler tâm sự: “Nếu như cô biết, đôi khi tôi chỉ muốn được đi dạo một mình qua các phố mà không ai biết, không có người hộ tống”.

Có lần, tôi đã hỏi Hitler: “Thưa quốc trưởng, vì sao ngài không lấy vợ?”. “Tôi có lẽ sẽ là người cha tồi trong gia đình. Vì vậy, tôi cho rằng, mình sẽ là người vô trách nhiệm nếu lập gia đình. Ngoài ra, tôi cũng không muốn có con. Tôi cảm thấy, con cháu của những thiên tài thường sống rất khó khăn trong thế giới này”. Đây chính là biểu hiện đầu tiên về chứng vênh vang cho rằng mình là vĩ nhân mà tôi nhận thấy ở Hitler. Tôi chưa bao giờ nghe ông ta nói một lời nào về tình yêu. Tuy nhiên, một trong những bí mật lớn nhất của Hitler chính là cô người tình Eva Braun của ông ta. Họ cùng sống trong đại bản doanh này với một vẻ nhàn nhã. Đây cũng là người chung thủy với Hitler cho đến giờ phút cuối cùng, khi cả hai quyết định tự sát.

Ngày 20-4-1945 là ngày sinh nhật của quốc trưởng khi ông tròn 56 tuổi. Chúng tôi tụ tập đầy đủ tại đây. Hitler có vẻ im lặng nhìn mông lung về phía trước. Chúng tôi hỏi liệu ông ta có chuẩn bị rời bỏ Berlin. “Không, tôi không thể làm được điều đó. Nếu như vậy, tôi chẳng khác gì một linh mục bất lực đang cầm trong tay quyển kinh trống rỗng. Tôi cần phải thông qua các quyết định tại đây, ở chính Berlin hoặc là tôi sẽ chết”. Chúng tôi tất thảy đều im lặng, rượu sâm banh mừng sinh nhật cũng không cảm thấy có vị gì nữa. Trong mắt Eva Braun đã xuất hiện sự lo lắng. Hôm nay, cô ta mặc một chiếc váy mới nhưng Hitler dường như không nhận ra.

  • Thời khắc tận cùng của nỗi thất vọng

Khuôn mặt Hitler dường như đã đánh mất hết mọi cảm xúc. Ánh mắt tối sầm và da mặt nhợt nhạt như người chết. Không nhìn thẳng vào một ai, ông ta ra lệnh: “Một giờ nữa sẽ có một chiếc máy bay đưa các bạn về phía Nam. Tất cả đã hết, hết hy vọng rồi!”. Eva Braun nắm lấy tay ông ta, mỉm cười như một cô bé và nói: “Nhưng tất nhiên là anh phải biết rằng, em sẽ ở lại với anh”. Ánh mắt Hitler hơi lóe sáng, ông ta cúi xuống hôn Eva.

Tôi hoàn toàn không thể nói được điều gì đang diễn ra với mình. Tôi không muốn ở lại đây, không muốn chết nhưng không còn cách nào khác khi nói: “Tôi cũng sẽ ở lại”. Đột nhiên, tôi cảm thấy thương hại Hitler: ông ta hiện là một kẻ đang ở tận cùng của nỗi thất vọng, một kẻ vừa rơi từ trên cao xuống, rã rời và cô độc.

Hitler nhìn chúng tôi: “Tôi ra lệnh cho mọi người rời khỏi đây!”. Nhưng tất cả chúng tôi đều lắc đầu thay cho câu trả lời. Ông ta bắt tay từng người trong số chúng tôi và nói: “Tôi ước sao, các tướng lĩnh của mình đều dũng cảm như các bạn”.  

Hitler lê bước ra khỏi căn phòng, tới chỗ các sĩ quan đang đứng chờ: “Thưa các vị, tất cả đã kết thúc. Tôi sẽ tự sát. Ai muốn đi thì cứ việc đi. Mỗi người trong số các bạn có thể lựa chọn tùy ý. Tôi không muốn rơi vào tay kẻ thù cả khi sống cũng như khi đã chết. Khi tôi đã chết, thi thể của tôi phải được đốt sao cho không ai có thể phát hiện được ra. Tôi sẽ bắn vào mồm và mọi việc sẽ diễn ra nhanh chóng”.

Eva Braun nói: “Tôi muốn cho thi thể mình vẫn dễ coi. Tôi sẽ uống thuốc độc”. Cô ta rút từ trong người ra một ống thuốc xianua kali nhỏ và lẩm bẩm: “Không biết có đau đớn không?”. Sau bữa ăn, Hitler chào hỏi từng người một: “Tôi rất tiếc là khi chia tay, tôi không thể làm được điều gì tốt đẹp để tặng các bạn”.

Ngày 30-4. Hitler bắt tay từng người. Tôi cảm nhận thấy hơi ấm ở bàn tay phải của ông ta. Ông ta liếc nhìn tôi nhưng tôi không dám nhìn lại. Eva Braun mặc bộ áo váy quốc trưởng thích nhất, theo sau ông ta đi vào trong phòng. Cánh cửa kim loại từ từ đóng lại. Thình lình, một tiếng súng rất to vang lên, dội khắp các gian phòng. Lúc đó là vào khoảng hơn 4g chiều.

Một lát sau, viên sĩ quan tùy tùng Otto Guensche của Hitler xuất hiện trong đám khói đầy mùi xăng: “Xác của ông ta đã bị đốt”. Cánh cửa phòng Hitler vẫn mở. Trên bàn vẫn còn khẩu súng lục nhỏ của Eva, dưới sàn là những ống thuốc độc nằm vung vãi. Trên ghế của Hitler có đầy máu, không khí nặng mùi làm tôi cảm thấy buồn nôn.

Viên sĩ quan tùy tùng sau đó kể lại: “Tất cả kéo dài khoảng 10 phút trước khi tiếng súng vang lên. Quốc trưởng bắn vào mồm, ngoài ra còn uống thêm một ống thuốc độc. Xương sọ ông ta vỡ ra trông rất đáng sợ. Eva Braun không sử dụng khẩu súng của mình mà chỉ dùng thuốc độc. Chúng tôi bọc đầu quốc trưởng bằng một chiếc chăn, mang thi thể ông ta lên vườn hoa phía trên. Chúng tôi đặt cả hai cái xác vào một hố bom nằm cách lối vào boongke chỉ hai bước chân. Sau khi tẩm xăng, tôi vứt vào đó một mẩu giẻ đã cháy để đốt”.

Tất cả những điều này đã diễn ra 57 năm về trước. Khi đó tôi mới 25, còn bây giờ đã 81 tuổi.  

“Tôi trở thành thư ký của Hitler khi mới 22 tuổi. Làm sao tôi lại có thể ngây thơ và nông nổi đến như vậy? Cho đến giờ phút cuối cùng của đời mình, tôi luôn cảm nhận thấy nỗi ám ảnh của tội lỗi”.  

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Thông tin liên quan:

- Bài 1: Hồ sơ giải mật của CIA về Đức quốc xã

- Bài 2: Tìm kiếm hài cốt binh sĩ Hồng quân

- Bài 3: “Người tình nhỏ” của Hitler

Tin cùng chuyên mục