9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

Sáng nay, 23-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Hội nghị kéo dài đến ngày mai, 24-12.
9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

(SGGPO). – Sáng nay, 23-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Hội nghị kéo dài đến ngày mai, 24-12.

Kiểm soát được lạm phát

Trong buổi làm việc sáng nay, Chính phủ đã có báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2013.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, đến thời điểm này, nhiều địa phương hoàn thành thu ngân sách, trong đó có Hà Nội, TPHCM, vì vậy đề nghị Thủ tướng biểu dương khen thưởng những địa phương đã cố gắng thu sách trong điều kiện khó khăn.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2013, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. So với tháng 12-2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2013 tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đạt mục tiêu đề ra (kế hoạch đề ra là khoảng 8%), thấp hơn mức tăng giá cuối năm 2012 (6,81%).

Tổng thu NSNN cả năm ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012; tổng chi NSNN ước đạt 986,3 nghìn tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012; bội chi NSNN bằng 120% mức bội chi dự toán đầu năm, bằng 5,3% GDP. Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn: nợ công đến cuối năm 2013 đạt 56,2% GDP (<65%), trong đó nợ Chính phủ  bằng 42,6% GDP (<55%), nợ Chính phủ bảo lãnh là 12,24% GDP và nợ chính quyền địa phương là 1,32% GDP.

9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 ảnh 1

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: VGP

Năm 2014, đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%

Đáng chú  ý, sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra là: phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3%...

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp lớn để thực hiện nhiệm vụ năm 2014.

Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh  tế, vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi và giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát luật về thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Rà soát lại các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ.

Chính phủ cũng nêu rõ, phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả. Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng (điện, than, xăng dầu) và dịch vụ công thiết yếu (y tế, giáo dục) theo lộ trình và mức độ phù hợp, phối hợp đồng bộ với các chính sách liên quan bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát. Chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường.

Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm tra, giám sát các hành vi lạm dụng vị thế có thị phần lớn trên thị trường để điều chỉnh giá bất hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng năng lượng, thức ăn chăn nuôi, sữa công thức cho trẻ em.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. Chính phủ yêu cầu  Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2014 tình hình triển khai thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị các giải pháp khắc phục...

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó về mặt thể chế, đánh chú ý năm 2014 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.

Về nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Chính phủ yêu cầu năm 2014 rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, kiên quyết đưa ra khỏi Quy hoạch các khu công nghiệp chậm triển khai, không có khả năng triển khai. Tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng các nhóm khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu thuộc diện ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo Đề án đã được phê duyệt.  Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14), Đường nối từ  sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài, các đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu các lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp...

Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó đáng chú ý Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Tăng cường nhân lực y tế chất lượng cao và đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ y tế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc...

Thứ năm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng  phó với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Thứ bảy, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Chính phủ giao nhiệm vụ năm 2014, giảm tai nạn giao thông so với 2013.

Thứ tám, mở rộng  và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Thứ chín, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội.

 Về các nguồn vốn cho năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, vốn ODA rất sẵn, vấn đề là khâu thủ tục giải ngân, vì vậy đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh công tác này để đỡ “phí” nguồn vốn này.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, quan điểm là Nhà nước chỉ nắm sở hữu đối  với những lĩnh vực đặc biệt quan trọng, còn lại cho thoái vốn, kể cả cho thoái vốn dưới giá trị những bộ phận thuộc diện “càng để lâu càng lỗ”.


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục