* Nâng chất giải báo chí TPHCM
(SGGP). – Hôm qua 14-6, Hội Nhà báo Việt Nam đã họp báo, công bố kết quả Giải báo chí quốc gia lần thứ VI – 2011. Năm nay, ban tổ chức giải nhận được 1.268 tác phẩm báo chí, được lựa chọn từ 117 tổ chức cấp hội. Hội đồng chung khảo đã chấm, bỏ phiếu và quyết định trao 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 giải khuyến khích.
Năm nay thể loại báo in không có giải A, 2 giải A thuộc về lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Trong các tác phẩm báo in đoạt giải, Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt 1 giải B với loạt bài Bản chất chủ nghĩa tư bản nhìn từ phong trào “chiếm lấy phố Wall” của Lê Tiền Tuyến - Lý Việt Trung và 1 giải khuyến khích. Ngoài các tác phẩm đoạt giải, Hội đồng giải quyết định trao giấy chứng nhận và tiền thưởng 1 triệu đồng cho 58 tác phẩm vào vòng chung khảo nhưng không đoạt giải.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm tới sẽ có giải dành riêng cho báo điện tử và tiền thưởng cũng sẽ được nâng lên. Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VI được tiến hành ở Hà Nội vào ngày 21-6 tới, đúng dịp kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 14-6, tại trụ sở Hội Nhà báo TPHCM, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM.
Làm thế nào để nâng chất giải báo chí TPHCM là vấn đề được các đại biểu tâm huyết, thẳng thắn mổ xẻ. Hầu hết các đại biểu khẳng định: qua 30 năm tổ chức (1982-2012), giải báo chí TPHCM là giải thưởng có giá trị, thật sự trở thành động lực thi đua giữa các nhà báo, các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có một thực tế là chất lượng giải thưởng báo chí TP những năm gần đây không cao. Về chất lượng giải báo chí TPHCM lần thứ 30, năm 2012, số lượng đơn vị báo chí tham gia chưa nhiều (chỉ có 19/43 đơn vị). Đề tài báo chí lặp lại khá nhiều so với các năm trước, tính phát hiện còn ít, tính chiến đấu chưa cao. Nhiều ý kiến nhận định, việc tổ chức giải báo chí TP như “đến hẹn lại lên”, trong khi còn nhiều tác phẩm hay không thấy tham gia giải; tác phẩm dự thi ở mảng tích cực còn yếu, chủ yếu bài viết phản ảnh về tiêu cực…
Đồng tình các nhận định trên, đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng: “Ban Tuyên giáo thấy mình phải có trách nhiệm trong việc nâng chất, nâng giá trị giải thưởng báo chí TP”. Đồng chí cũng nhất trí với kiến nghị những tác phẩm đoạt giải báo chí TP trong suốt 30 năm qua nên in thành sách để làm tư liệu tuyên truyền và nghiên cứu.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đồng ý việc phải nâng cao giá trị, chất lượng giải báo chí TPHCM. “Lãnh đạo Thành ủy rất cần những tác phẩm báo chí phản ánh đúng sự thật, đi vào những con người thật. Quan điểm của lãnh đạo Thành ủy, việc xây là chính và mang tính chủ đạo, còn những tác phẩm chống tiêu cực cuối cùng cũng để phục vụ cho cái xây, tuy nhiên phản ánh phải đúng, phải trúng”, đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đua cũng “đặt hàng” các báo, ngay từ bây giờ đầu tư các bài viết về Nghị quyết Trung ương 4 để giải thưởng báo chí TPHCM lần thứ 31 năm 2013 có những sản phẩm đặc sắc về nội dung này.
Hội Nhà báo TPHCM cũng vừa công bố kết quả Giải Báo chí TPHCM lần thứ 30 năm 2012. Theo đó, có 33 tác phẩm thuộc 5 nhóm thể loại đoạt giải báo chí lần thứ 30, gồm 5 giải nhất, 10 giải nhì, 18 giải ba. Trong đó, Báo SGGP đoạt 5 giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba.
Cụ thể, nhóm tác giả Thạch Thảo - Ái Chân - Mai Hương đoạt giải nhất nhóm 3 (phóng sự, điều tra, ký báo chí, phim tài liệu) với loạt bài Một thời tuổi trẻ biết xung phong. Cũng trong nhóm 3, nhóm tác giả Hồ Thu - Đường Loan - Khiết Nhung đoạt giải ba với loạt bài Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia. Ở nhóm 2 (bình luận, xã luận, chuyên luận), nhóm tác giả Thúy Hải - Hải Hà - Uyển Chi đoạt giải nhì với loạt bài Chỗ đứng của hàng Việt; nhóm tác giả Như Hoa - Thúy Bình đoạt giải ba với loạt bài Diện mạo showbiz Việt. Loạt bài Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững của Báo SGGP đoạt giải nhì nhóm 5 (công trình tập thể). Giải sẽ được trao vào ngày 21-6.
Cùng ngày tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, nêu rõ, hệ thống báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Nhiều thông tin sai phạm được báo chí phản ánh, nêu ra đã là cơ sở, điều kiện tốt để cơ quan công an xem xét, xử lý không ít vụ việc, đối tượng sai phạm. Bên cạnh đó, báo chí cũng phản ánh những nguy cơ dẫn tới tội phạm, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong toàn xã hội.
Tại hội thảo, hơn 30 tham luận đã nêu bật vai trò và mối quan hệ giữa báo chí với lực lượng công an nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
NHÓM PV