97% hộ gia đình đồng thuận thực hiện phân loại rác tại nguồn

Hành động nhỏ, ý nghĩa môi trường lớn
97% hộ gia đình đồng thuận thực hiện phân loại rác tại nguồn

Với mong muốn nhân rộng mô hình thực hiện phân loại rác tại các hộ gia đình, vừa qua Công ty TNMHH Một thành viên Môi trường đô thị TPHCM đã phối hợp cùng UBND quận Tân Phú triển khai hướng mô hình dự án khu phố xanh đối với chung cư Tây Thạnh.

Người dân chuyển giao rác vô cơ trong dự án khu phố xanh

Người dân chuyển giao rác vô cơ trong dự án khu phố xanh

Hành động nhỏ, ý nghĩa môi trường lớn

Theo đó, lực lượng tình nguyện viên đã thực hiện hướng dẫn người dân phân loại rác thải thành 3 loại là rác có khả năng tái chế, hữu cơ và rác không thể tái chế. Với rác hữu cơ và rác không thể tái chế, người dân sẽ vẫn chuyển giao hàng ngày theo thời gian biểu không thay đổi. Còn với lượng rác tái chế thì sẽ chuyển giao 01 ngày/tuần vào Chủ Nhật. Lượng rác này cũng sẻ được quy đổi thành một mức giá tương ứng. Đây sẽ là cơ sở để quy đổi ra những sản phẩm xanh quà tặng có giá trị tương đương. Được biết, đây là dự án nằm trong chuỗi dự án khu phố xanh mà công ty đang triển khai. Chia sẽ vấn đề này, chị Huỳnh Thị Thu Hương, người dân đang sống ở  chung cư Tây Thạnh cho biết, để có thể góp phần tạo ra khu phố xanh ngay tại chung cư nơi mình đang sinh sống thì quá tốt. Từ trước đến nay, người dân tại chung cư rất có ý thức bảo vệ môi trường. Điển hình như gìn giữ khu phố, khuôn viên công cộng, đặc biệt là công viên luôn sạch sẽ. Riêng hoạt động phân loại rác tại nguồn thì dù có muốn cũng không thể tự triển khai được. Nay được Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị cho nhân viên kết hợp với lực lượng tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn phân loại và chuyển giao rác phân loại. Mặt khác, những hộ gia đình chuyển giao rác phân loại còn được tặng lại những sản phẩm thiết yếu gia dụng. Tôi nghĩ đây là cách làm rất hay và tin là những hộ dân đang sinh sống tại đây sẽ đồng thuận hưởng ứng chương trình. Đại diện UBND phường Tây Thạnh khẳng định, hoạt động triển khai hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn là hết sức cần thiết. Nhất là trong giai đoạn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang hướng đến việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Gánh nặng xử lý rác thải tăng nhanh theo tốc độ gia tăng dân số. Do vậy, việc ngày càng nhiều lượng rác thải được tái chế thành nguồn nguyên liệu sản xuất thay cho phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc bằng những biện pháp khác sẽ giúp tiết kiệm khoản lớn chi phí cho ngân sách và cải thiện chất lượng môi trường sống của cộng đồng.

Tình nguyện viên phát túi nilon và hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Tình nguyện viên phát túi nilon và hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Thành công với 97% hộ gia đình đồng thuận thực hiện phân loại rác

Thực tế kết quả thu gom rác phân loại sau hai tuần tuyên truyền tại Lốc A chung cư Tây Thạnh cho thấy, có đến hơn 70% hộ gia đình đã thực hiện chuyển giao rác phân loại cho nhân viên vệ sinh. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TPHCM nhấn mạnh, việc phát triển mô hình Khu phố xanh tại chung cư Tây Thạnh nằm trong chiến lược phát triển những khu phố xanh thực hiện phân loại rác tại nguồn của công ty giai đoạn 2013 -2020. Từ đầu năm 2013, công ty đã xúc tiến triển khai thực hiện hướng dẫn hộ gia đình tại 4 tuyến đường Lê Khôi, Lê Lư, Độc Lập và Tân Sơn Nhì thực hiện phân loại rác tại nguồn. Hơn 97% hộ gia đình đã đồng thuận tham gia dự án trên và dự án này vẫn đang tiếp tục được duy trì một cách ổn định. Bắt đầu từ tháng 8-2014, công ty sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng cho toàn bộ 9 chung cư phường Tây Thạnh với số hộ gia đình tham gia là 1.000 hộ. Ngoài ra, công ty cũng đang lên kế hoạch rà soát lại hoạt động thu gom cho 8 tuyến đường tiếp theo. Cụ thể, Trần Hưng Đạo, Thống Nhất, Gò Dầu, Tần Quý, Lê Lâm, Cây Keo, Tân Sơn Nhì, Tân Kỳ Tân Quý. Sau khi có kết quả khảo sát chính thức, công ty sẽ chính thức triển khai mô hình khu phố xanh cho 8 tuyến đường tiếp theo. Dự kiến thời gian triển khai vào tháng 9-2014.

Hiện với lượng rác sinh hoạt trung bình phát sinh tại thành phố khoảng 7.500 tấn ngày. Phần lớn đều phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Do vậy, việc khuyến khích người dân đồng thuận thực hiện phân loại rác tại nguồn, góp phần tăng lượng rác tái chế, giảm lượng rác phải xử lý bằng cách chôn lấp có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng như hiện nay. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải nhân rộng mô hình trên để góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, văn minh.

Hà My

Tin cùng chuyên mục