Ách tắc hạ tầng giao thông

Hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá của vùng ĐBSCL, luôn được quan tâm đầu tư, đã gắn kết được giao thông liên vùng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và an sinh xã hội, khắc phục được phần nào tình trạng “đường chờ cầu, cảng chờ luồng”.

Thời gian qua, khả năng đáp ứng về nhu cầu vốn của các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách nhà nước và vốn đối ứng cho các dự án ODA là rất hạn hẹp so với nhu cầu. Thế nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng, nỗ lực của Bộ GTVT, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ, ngành có liên quan, UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tập trung xem xét, lựa chọn dự án theo thứ tự ưu tiên các công trình bức xúc, cấp bách để đề xuất bố trí vốn đầu tư; thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều công trình trọng điểm của vùng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ TPHCM - Năm Căn, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường nối Cần Thơ - Vị Thanh, quốc lộ 61, 91B và nhiều tuyến quốc lộ; các cầu lớn vượt sông và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, đường hành lang ven biển phía Tây...

Tuy vậy, nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu trầm trọng. Theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT: Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước gồm 6 dự án, với tổng số vốn là 5.867 tỷ đồng, trong năm 2013 mới bố trí vốn được 2.582 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 3.285 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ toàn vùng có 34 dự án và tiểu dự án, với tổng mức đầu tư là 44.677 tỷ đồng; đến nay đã bố trí 19.938 tỷ đồng, thiếu 24.694 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án nằm trong danh mục dừng, giãn tiến độ.

Hạ tầng giao thông, nhất là giao thông liên vùng, giao thông kinh tế vẫn là điểm yếu của ĐBSCL. Nhiều công trình quan trọng tạo động lực phát triển vùng chậm thi công như tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho, nhiều tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, các cảng nằm dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu; cảng biển Đại Ngãi, Hòn Chông chưa được đầu tư xây dựng. Luồng cho tàu biển tải trọng lớn còn ách tắc, gây nhiều khó khăn cho phát triển vùng. Cảng Cái Cui là một ví dụ điển hình. Là dự án trọng điểm của Nhóm cảng biển VI, lớn nhất ĐBSCL, đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận tàu 200.000 tấn, nhưng mới được khai thác khoảng 10% - 20% công suất. Nguyên nhân chính do các tàu lớn luôn bị mắc cạn không vượt qua được luồng Định An.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra của năm 2014 và các năm tiếp theo đối với lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương cần sớm hoàn thiện thủ tục phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung theo phương án đã được Quốc hội thông qua; tăng nguồn vốn ngân sách phân bổ hàng năm cho ngành giao thông đủ để bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và triển khai một số dự án cấp bách có tính chất liên kết vùng.

Để đảm bảo tiến độ các dự án, đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đứng ra vay vốn các ngân hàng thương mại để triển khai thi công đáp ứng tiến độ, sau khi dự án được bố trí vốn sẽ hoàn trả cho các doanh nghiệp. Các địa phương vùng ĐBSCL có dự án cần đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để xây dựng quỹ đất tái định cư, đảm bảo cho việc giải phóng mặt bằng các dự án đúng tiến độ. Các nhà hoạch định chủ trương đầu tư cần vượt lên “tư duy hành chính tỉnh”, ưu tiên kết nối vùng, liên vùng để giao thông ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, tạo sức bật mạnh mẽ cho vùng.

XUÂN QUANG

Tin cùng chuyên mục