(SGGPO). – Sáng nay, 4-3, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo của các Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với chủ đề “Châu Á năm 2050: Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng”.
Hội thảo có sự sự tham gia của các Bộ trưởng Tài chính đến từ Bangladesh, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc; các Thứ trưởng đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch ADB ông Kuroda.
Tại hội thảo, ADB đã công bố tổng quan dự thảo báo cáo “Châu Á 2050 - Xây dựng một thế kỷ Châu Á”. Báo cáo hoàn chỉnh dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 8-2011 sau khi được thảo luận tại hội nghị lần này.
Dự thảo báo cáo cho biết trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang châu Á, với hai kịch bản: Một thế kỷ của châu Á và Bẫy thu nhập trung bình.
Theo kịch bản lạc quan, Thế kỷ châu Á, đến 2050, GDP của khu vực sẽ đạt 148.000 tỷ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới 38.600 USD, so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36.600 USD.
Kịch bản thứ hai giả định rằng những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, khi mức tăng trưởng chậm lại và sự trì trệ trong thu nhập của 5 hay 10 năm tới. Trong khi đó, những nền kinh tế còn lại không thể thúc đẩy được tỷ lệ tăng trưởng trong kịch bản này. Nếu những dữ kiện này xảy ra, GDP châu Á sẽ chỉ đạt 61.000 tỷ USD, chiếm 32% sản lượng toàn cầu vào năm 2050. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP đầu người của khu vực sẽ đạt 20.300 USD.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch ADB, ông Kuroda nói: “Hai kết quả dự kiến ở hai kịch bản là khác nhau và vì vậy chi phí cơ hội nếu không thực hiện kịch bản Một thế kỷ châu Á là rất lớn, đặc biệt là trên khía cạnh con người”.
Theo kịch bản Một thế kỷ châu Á của ADB, 3 tỷ người châu Á có thể tận hưởng thành quả của sự thịnh vượng ít nhất cũng sớm hơn một thế hệ so với kịch bản bẫy thu nhập. Hiện tại, một nửa người dân châu Á sinh sống thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản trong khi 900 triệu người tại khu vực này chưa được tiếp cận với điện năng.
Bản dự thảo báo cáo nhấn mạnh những nguy cơ và thách thức vẫn tồn tại trên con đường châu Á tiến tới đạt được thành quả phát triển vào giữa thế kỷ này. Đồng thời, đề ra 6 động lực chuyển đổi tại khu vực: sự tiến bộ kỹ thuật, tích lũy vốn, nhân khẩu học và lực lượng lao động, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng thông tin.
Chiều nay, trong khuôn khổ Hội nghị ADB lần thứ 44, hội thảo về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế do ADB, IMF, đại diện Nhật Bản trong ASEAN + 3 và Chủ tịch G20 (Bộ trưởng Tài chính Pháp) đồng chủ tọa sẽ diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo tập trung thảo luận những cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa sự ổn định của tài chính và tiền tệ toàn cầu.
Trước khi hội thảo diễn ra, Chủ tịch ADB Kuroda phát biểu nêu rõ những cải cách tài chính và tiền tệ được thảo luận tại hội thảo là vô cùng quan trọng nhằm trợ giúp khu vực châu Á đạt được tăng trưởng mạnh và toàn diện cho tất cả mọi người.
“Chúng ta phải thu xếp hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay – hệ thống đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề như các nguồn vốn lớn và không ổn định, áp lực tỉ giá quá cao, và sự chia rẽ trong việc cung cấp khả năng thanh toán bằng tiền mặt toàn cầu hiệu quả đúng thời hạn khi thị trường đang gặp khó khăn” – ông Kuroda nhấn mạnh.
HÀM YÊN