“Dư nợ cho vay thủy sản của Agribank hiện đạt gần 30.000 tỷ đồng, riêng cho vay đánh bắt xa bờ, gần bờ bám biển khoảng 8.000 tỷ đồng với 6.500 con tàu. Agribank sẵn sàng tiếp sức ngư dân vươn khơi, bám biển” - ông Trịnh Ngọc Khánh Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết.
Thị trường truyền thống
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đầu tư tín dụng phát triển kinh tế biển tập trung vào một số ngành trọng điểm như: khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, chế biến thủy hải sản, sản xuất nước đá, kinh doanh xăng dầu, ngư lưới cụ… “Cho vay ngư nghiệp là thị trường truyền thống của Agribank, ngư dân là bạn đồng hành của chúng tôi từ nhiều năm nay” - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh nói. Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi, bám biển không thể không nhắc đến nguồn vốn của Agribank. Tính đến nay, dư nợ cho vay thủy sản của Agribank đạt gần 30.000 tỷ đồng, riêng cho vay đánh bắt xa bờ, gần bờ bám biển khoảng 8.000 tỷ đồng với 6.500 con tàu.
Ông Khánh cho biết thêm, gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân là khá đầy đủ, hoàn thiện từ lĩnh vực đầu tư đóng mới tàu, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, dịch vụ hậu cần, kể cả bảo hiểm để hỗ trợ xử lý rủi ro con người, tàu biển. Gói hỗ trợ này tính khả thi cao, vấn đề bây giờ phải tổ chức thực hiện nó như thế nào. Ông Khánh nhấn mạnh: “Theo tôi, ngoài yếu tố lãi suất ra thì vấn đề trang bị tàu thuyền, đánh bắt phải hiện đại, bên cạnh đó là mô hình quản lý đánh bắt để đảm bảo tính chất hỗ trợ lẫn nhau, trong tình hình hiện nay không thể một con tàu vươn khơi đương đầu với khó khăn ở biển đông được. Yếu tố mô hình quản lý tiêu thụ sản phẩm cũng là một trong những yếu tố quan trọng để gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân thành công”. Đặc biệt, theo Chủ tịch Agribank, bảo hiểm là một chính sách hết sức quan trọng giữa ngân hàng và ngư dân có thêm cơ sở để xử lý rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra...
Có mặt tại cơ sở đóng tàu xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), âm thanh của tiếng đục, đẽo của những thợ đóng tàu nghe rộn ràng như một ngày hội. Bãi đóng tàu xã Nghĩa An với ngổn ngang những khúc gỗ đã được xẻ vuông vắn dài hàng chục mét, cùng với hàng chục con tàu cao sừng sững đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nghề đóng tàu ở xã Nghĩa An cũng đã được nhiều người biết đến. Nhờ được vay vốn kịp thời bà con ngư dân ở huyện Tư Nghĩa nói chung và xã Nghĩa An nói riêng đã nâng cấp và đóng mới tàu thuyền, sắm ngư lưới cụ ra khơi khai thác có hiệu quả giúp thanh toán nợ gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn theo cam kết. Ông Huỳnh Nghĩa, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tư Nghĩa cho biết, tính đến 30-4-2014 tổng dư nợ của chi nhánh đạt gần 525 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khai thác hải sản là 176 tỷ đồng, đã đầu tư cho vay đóng mới 123 đôi tàu giã cào công suất cao từ 500 CV trở lên.
Cần sự tổ chức chặt chẽ
Trước đây, chính sách hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân cũng từng được đưa ra. Cụ thể, năm 1997 Chính phủ triển khai chương trình đánh bắt xa bờ tại 29 tỉnh. Song trong số 1.000 tàu được cải tiến, hoặc đóng mới, có đến 520 tàu đánh bắt không có lãi và 250 tàu nằm bờ, buộc chương trình phải kết thúc đầu năm 2006. Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Phạm Văn Thức, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân làm hạn chế kết quả của chương trình trên là cách triển khai chưa hợp lý, việc thiết kế tàu chưa phù hợp cùng thói quen và tập quán khai thác của ngư dân…”.
Ước mơ tàu sắt của ngư dân đang được hiện thực hoá khi tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, Quốc hội đã quyết định chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển. Hiện cả nước có trên 28.000 tàu cá xa bờ, nhưng tàu vỏ sắt chiếm chưa đến 1%. Để khắc phục tình trạng tàu gỗ vươn khơi, giảm thiểu rủi ro về tính mạng và tài sản cho ngư dân, Chính phủ đã chủ trương đóng tàu vỏ sắt thay thế vỏ gỗ cho 3.000 tàu trên cả nước. Nguồn vốn của ngành ngân hàng đã sẵn sàng, vấn đề chỉ là cách thức triển khai như thế nào để chương trình này phát huy hiệu quả như mong muốn.
Tiếp xúc với những ngư dân ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự hồ hởi của người dân nơi đây khi được biết thông tin sẽ có gói hỗ trợ tín dụng 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân đóng tàu sắt để vươn khơi xa hơn. Ngư dân Hoàng Anh Tuấn (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, ngư dân được vay vốn ưu đãi đóng tàu sắt sẽ vươn khơi xa hơn, chắc chắn nguồn lợi thủy sản thu được nhiều hơn. Ông Tuấn chia sẻ thêm, gia đình ông hiện có 2 đôi tàu giã cào, để có vốn đóng tàu ông đã vay vốn tại Agribank chi nhánh Tư Nghĩa, hiện dư nợ 2,9 tỷ đồng. “Đóng một con tàu vỏ thép đầu tư lớn, tàu to sẽ tiêu hao nhiên liệu nhiều dẫn đến chi phí mỗi chuyến ra khơi tăng lên. Bởi vậy, khi thực hiện chương trình này cần phải có sự tổ chức chặt chẽ, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại và các chính sách của nhà nước, cần phát triển khâu hậu cần, tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định cho ngư dân. Bên cạnh đó là việc thiết kế con tàu để phù hợp với mỗi loại hình đánh bắt và kinh nghiệm đi biển của ngư dân. Nếu làm ăn không hiệu quả dễ bị thua lỗ khi vào bờ ngư dân lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng” - ông Tuấn nói.
Cùng chung quan điểm với nhiều ngư dân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, Agribank trước đây đã cho vay chương trình đánh bắt xa bờ, đóng mới tàu, rủi ro cao, nhà nước xóa nợ bằng lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng. Theo ông Khánh, thực ra lãi suất không phải là hiệu quả của một dự án mà vấn đề tổ chức của một dự án. Nguyên nhân chủ yếu của chương trình đánh bắt xa bờ trước đây không thành công là giá thành con tàu không xác định được, có khi đội giá 30%-40%. Ông Khánh cho biết thêm, chương trình đóng tàu vỏ sắt nếu không có sự tổ chức chặt chẽ, đặc biệt là xác định giá thành thật của con tàu thì cũng khó thành công. Cần phải công khai minh bạch giá thành của một con tàu. Nếu chỉ định một đơn vị A hoặc B nào đó đóng tàu thì giá thành đóng tàu sẽ bị đội lên.
Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, mục tiêu cốt lõi của chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển là làm cho ngư dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn để đóng tàu sắt thay tàu gỗ, được hỗ trợ tín dụng mua sắm trang thiết bị trên tàu, tiêu thụ sản phẩm và chiến lược dài hạn là hỗ trợ phát triển ngành thủy sản một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều đó có nghĩa là ngư dân phải được hỗ trợ từ phương tiện ra khơi đến tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, để chương trình tín dụng này thành công, ngoài sự chủ động, nỗ lực của ngành ngân hàng còn cần có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành chức năng, tổ chức xã hội trong các vấn đề: Hoàn thiện thể chế, chính sách để ngư dân tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn của các tổ chức tín dụng cũng được đảm bảo; có kế hoạch đầu tư, xây dựng các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão và phát triển chuỗi sản xuất khép kín từ khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đến khâu tiêu thụ…
Bài và ảnh: NGỌC QUYẾT