Câu chuyện dưa hấu nơi trồng giá rẻ, không bán được nhưng giá tại nhiều thành phố bán cao ngất, được thông tin thời gian gần đây, một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc quy hoạch, phân phối các mặt hàng nông sản nước ta. Đó chính là điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp đi lặp lại nhiều năm chưa có lời giải đáp thấu đáo.
Không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác cũng đang rơi vào tình trạng bế tắc trong tiêu thụ. Một người có nhiều tâm huyết trong lĩnh vực phân phối - ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, từng không ít lần nhắc đến thực trạng này. Ví dụ được ông Phú nêu ra tại nhiều hội thảo về giá cả là mặt hàng trứng gà. Trong khi người nông dân bán chỉ có 1.600 đồng/trứng thì đến tay người tiêu dùng gấp 2 - 3 lần. Hay như 1kg đường giá bán lẻ ở thị trường trong nước từ 18.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi giá xuất khẩu chỉ gần 12.000 đồng/kg. Mặt hàng gạo cũng tương tự như vậy.
Bản chất của việc khó tiêu thụ dưa hấu hay các mặt hàng nêu trên ai cũng biết. Đó là những bất cập của việc liên thông giữa khâu sản xuất - phân phối, hay nói thẳng là việc tổ chức thị trường trong nước còn kém. Giá sản phẩm từ người nông dân đến tay người tiêu dùng luôn có khoảng cách quá xa, khiến cho người nông dân chịu thiệt vì bán giá thấp, người tiêu dùng cũng thiệt vì mua giá cao. Chỉ có khâu trung gian thu lợi nhiều. Việc hàng hóa qua nhiều khâu trung gian và đẩy giá khiến giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao ngất ngưởng, gấp mấy lần giá gốc, đã được nhắc đi nhắc lại nhưng lại không hề có giải pháp tạo chuyển biến.
Việc cứ hàng năm, đến dịp tháng 3, nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc còn chỉ ra một thực tế là khâu quy hoạch sản xuất nước ta còn yếu kém. Đành rằng, người nông dân khi thấy lợi thì sẽ trồng nhưng không thể để tình trạng người người, nhà nhà cùng trồng một loại cây, để rồi, đến mùa thu hoạch lại ùn ùn, tranh nhau chở hàng lên biên giới chờ xuất khẩu với giá rẻ mạt. Tất cả điều đó nói lên rằng, việc quy hoạch và chính sách hướng dẫn đầu tư phù hợp vào ngành nghề mà thị trường trong nước và thế giới có nhu cầu cao, Việt Nam có thế mạnh sản xuất, cạnh tranh bị bỏ ngỏ.
Trong khi đó, dù là nước nông nghiệp nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo, Việt Nam tham gia sâu hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, nếu không có sự thay đổi, khi hàng rào thuế quan về mức 0%, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm, nông sản của các nước. Điều đó sẽ dẫn đến sản xuất trong nước co lại, nông dân càng gặp khó khăn hơn, không còn cơ hội để sản xuất và tăng thu nhập.
Thực tế nêu trên chỉ ra rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện nay ở nước ta còn quá nhiều tồn tại, từ khâu sản xuất, chất lượng, chế biến, đến khâu phân phối, xuất khẩu. Đó là thực tế dẫn đến tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp quý 1 chỉ tăng 2,14% - giảm 0,54% so với cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa của các bộ, ngành trong việc ban hành, thực thi chính sách: ngành ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch tốt hơn các vùng nuôi, trồng đồng thời đầu tư nhiều hơn về khoa học kỹ thuật để tạo ra những con giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao; Bộ Công thương cần có giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước thực sự trở thành trụ cột trong phát triển sản xuất, tổ chức tốt và thông suốt các kênh phân phối...
Giải pháp thì có nhiều và cũng đã được không ít chuyên gia về thương mại, nông nghiệp, giá cả nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Và câu trả lời, một lần nữa phụ thuộc vào trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Đừng để câu chuyện cũ mà mới tương tự như dưa hấu tiếp tục “đến hẹn lại lên” mỗi khi đến mùa thu hoạch!
QUANG MINH