Tết Giáp Ngọ cận kề, tuy đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt người dân vùng thiên tai bão lũ, nhưng bù lại chưa bao giờ hoạt động sẻ chia với người dân nghèo, người dân vùng thiên tai trở thành một phong trào sâu rộng, thiết thực như hiện nay. Tất cả các buổi làm việc, kiểm tra thực tế của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ngành, từ sau các đợt bão lũ cuối năm 2013 đến nay, khi về địa phương đều ân cần thăm hỏi, tặng quà người dân nghèo; nhắc nhở các ngành, các cấp chăm lo chu đáo để người dân hưởng một cái tết ấm cúng, yên lành. Đảng và Chính phủ cũng có những gói cứu đói, cứu trợ kịp thời, thiết thực đến tay người nghèo, người dân vùng thiệt hại do thiên tai trước Tết Âm lịch để góp phần cùng nhân dân lo tết chu đáo hơn.
Một điều có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đó là hoạt động từ thiện, lo tết cho người nghèo, người dân vùng bão lũ trở thành một tập quán của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Dẫu là một năm khó khăn của doanh nghiệp nhưng từ ngay sau những cơn bão, lũ hoành hành ở miền Trung rồi miền Bắc đến nay, hàng ngàn doanh nghiệp đã góp tiền của rất lớn sẻ chia với người nghèo, người dân gặp hoạn nạn.
Khá nhiều doanh nghiệp dành cho quỹ từ thiện - xã hội hàng trăm, hàng chục tỷ đồng hàng năm. Và hầu như doanh nghiệp nào cũng chung tay góp sức làm nên một phong trào cắm rễ sâu rộng trong hoạt động doanh nghiệp. Có thể nói đây là một kênh chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp với xã hội, tạo nên một đạo lý kinh doanh rất nhân văn.
Năm 2013 cũng chứng kiến một kênh hoạt động từ thiện, giúp người nghèo lan tỏa khá sâu rộng trên cộng đồng mạng. Gần như tức thì, sau mỗi lần thiên tai, cộng đồng mạng sử dụng sức mạnh thông tin của mình tạo nên sự nối kết hành động chung mục đích giúp đỡ người dân gặp nạn. Có thể nói hoạt động từ thiện, giúp người nghèo, người dân vùng thiên tai đã trở thành một xu hướng tất yếu thấm đẫm tính nhân văn, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
Chung tay với cả nước, không chỉ ngay sau đợt bão lũ gây thiệt hại lớn cho miền Trung, mà những ngày cận Tết Âm lịch, nhiều lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh, của các bộ, ngành và địa phương khác đã đồng hành với các doanh nghiệp, đến tận nơi chia sẻ cứu trợ thiết thực cho đồng bào gặp khó khăn ở miền Trung, đồng bào nghèo vùng biên giới. Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng như một số cơ quan thông tin đại chúng khác đã kịp thời triển khai các chương trình từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân bão lũ, người nghèo, cán bộ chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa... có được cái tết ấm áp tình người…
Dầu rất ít nhưng vẫn còn những vết gợn trong quá trình tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền quà hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân đến đúng, kịp thời cho các đối tượng cần cứu giúp. Trong đó, đáng lưu ý là tổ chức ở cấp cơ sở có nơi lơ là, thiếu sự quan tâm trong quá trình tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà hảo tâm.
Cùng với những tấm lòng sẻ chia của xã hội, của nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, người dân nghèo cả nước, người dân vùng thiên tai cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, tự lực cánh sinh khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất cải thiện đời sống sinh hoạt của gia đình mình khi mùa xuân về.
TRẦN KHA